Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Bộ trưởng Xây dựng: Cần 4,5 triệu tỷ mới làm hết dự án nhà dở dang

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cả nước còn hàng nghìn dự án dở dang cần lượng vốn khổng lồ, vì vậy Bộ đề xuất tạm ngừng cấp phép mới để đảm bảo sự bền vững của thị trường.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ quan điểm về tình hình thị trường bất động sản hiện nay khi tham gia chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 27/4.
Một khán giả gửi thư tới chương trình cho biết định mua nhà nhưng các chuyên gia lại cho rằng giá còn giảm nữa.  Vậy theo Bộ trưởng, giá nhà sắp tới sẽ lên hay xuống?
- Khi thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng, nhiều chuyên gia đã quan tâm và rất lo ngại. Họ đưa ra những quan điểm khác nhau về thị trường như  cứu hay không cứu bất động sản. Được Quốc hội, Chính phủ giao đồng thời với trách nhiệm là cơ quan quản lý lĩnh vực bất động sản và nhà ở, Bộ Xây dựng đã căn cứ vào tình hình thực tiễn của nền kinh tế để tìm ra nguyên nhân gây ra khó khăn của thị trường bất động sản. Từ đó, Bộ đã kiến nghị với Chính phủ để đề ra một hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó tôn trọng nguyên tắc khắc phục lệch pha của cung cầu về bất động sản đồng thời gắn việc tháo gỡ khó khăn của thị trường với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Tức là bất động sản nhà ở khi làm ra là phải đến được với người dân và người dân nghèo cũng phải có nhà.
 Từ đó, các hệ thống giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường đã được đưa ra, đặc biệt là nghị quyết 02 của Chính phủ vào năm 2013. Với các giải pháp về cơ cấu lại các dự án, chính sách về tài khoá, thuế, tín dụng, thị trường đã ấm lên từ cuối năm 2013. Tháng 4/2014, giao dịch thị trường bất động sản đã tăng lên gấp 2 lần so với cùng kỳ. Giá bất động sản nói chung là không giảm, thậm chí nhiều nơi còn tăng lên. Đến 15/4, tồn kho bất động sản đã giảm 34%.
0701-botruongxd-3799-1398610444.jpg
Bộ trưởng Xây dựng: 'Thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phấn khởi". 
- Một số chuyên gia cho rằng địa ốc còn khó khăn, số khác lại khá lạc quan về thị trường. Vậy theo Bộ trưởng, tương lai của thị trường bất động sản sẽ thế nào?
- Rõ ràng thị trường có những dấu hiệu phấn khởi và chúng ta có thể lạc quan về tương lai. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vốn diễn biến phức tạp và còn nhiều khó khăn do có nhiều dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Tôi cho rằng, chúng ta không nên chủ quan và cần tiếp tục theo dõi để có những giải pháp phù hợp nhằm điều chỉnh kịp thời, làm thị trường phát triển đồng bộ, lành mạnh.
- Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất của Bộ về việc dừng cấp phép đối với dự án mới về nhà ở là phi thị trường. Ông giải thích thế nào về điều này?
- Chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Cùng một lúc chúng ta tôn trọng thị trường nhưng không thể né tránh sự can thiệp của Nhà nước. Tức là phải dùng bàn tay vô hình của thị trường và bàn tay hữu hình của Nhà nước để làm thị trường lành mạnh. Một bài học là trong thời gian dài vừa qua, vì quá tôn trọng thị trường, tư tưởng thị trường hoá trong qúa trình quản lý dẫn đến thị trường phát triển tự phát, phong trào. Hiện cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở với 102.000 ha đất. Nếu đầu tư tất cả các dự án này hết 4,5 triệu tỷ và tạo ra khoảng 3 triệu căn hộ. Với khả năng nền kinh tế hiện nay, tôi cho rằng, trong thời gian trung hạn, không thể giải quyết hết được khối lượng dự án như vậy.
Hiện nay nhiều dự án được cấp phép rồi nhưng đã dừng, chẳng hạn TP HCM có 689 dự án tương đương hơn 7.000 ha đất. Hà Nội có gần 100 dự án dừng. Trong khi chúng ta đang phải dừng dự án đã cấp phép thì không có lý do gì lại cấp phép mới những dự án mới. Nhưng tôi cũng phải nói thêm, đề nghị này áp dụng trong năm 2014.
- Chính sách nhà ở xã hội được đa số người dân đồng tình, đặc biệt là những người thu nhập thấp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chính sách này tốn tiền quá và đè nặng lên ngân sách Nhà nước. Bộ trưởng nghiêng về quan điểm nào?
- Năm 2011, Chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đây là điểm đột phá trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhiệm vụ đặt ra là cùng một lúc phát triển hai loại nhà ở là loại nhà ở thị trường (để đáp ứng khả năng thanh toán của thị trường) mặt khác phải tập trung để phát triển nhà ở xã hội (là loại nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước để những người dân không có điều kiện tiếp cận với nhà ở theo cơ chế thị trường vẫn có nhà ở). Những năm vừa qua nhà ở được phát triển mạnh. Đơn cử, nông thôn có nhiều chính sách để người nghèo, người có công với nước được cải thiện nhà ở. Ỏ đô thị phát triển mạnh mẽ về nhà ở thương mại tạo ra bộ mặt mới của độ thị. Nhưng mâu thuẫn lớn nhất là không ít người có nhiều nhà ở nhưng một bộ phận lớn người dân lao động, làm công ăn lương, công chức, viên chức, sĩ quan công nhân khu công nghiệp đang thiếu nhà ở hoặc ở trong những nhà chật chội không đủ điều kiện tối thiểu. 
Chiến lược nhà ở là một bước để cụ thể hoá quan điểm của Chính phủ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Chính sách này không phải bao cấp như ngày xưa, tức là nhà nước bỏ tiền ra để phân phối. Lần này Nhà nước xây dựng một chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, trong đó nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở được mua nhà thấp hơn giá thị trường thông qua giảm VAT đầu ra, ưu đãi tín dụng với lãi suất thấp… Nhà ở xã hội lần này là thị trường phi hàng hoá tức là giao dịch theo thị trường, có cung cầu nhưng giá thấp hơn thị trường do có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hoạt đông của doanh nghiệp.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Đất Xanh tăng doanh thu gấp 4 lần nhờ chuyển nhượng dự án

Báo cáo quý I/2014, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đạt doanh thu thuần 67,96 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2013 nhờ chuyển nhượng dự án Marina.
Sau khi trừ đi các chi phí, trong quý đầu tiên của năm, DXG lãi 25,2 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ 2013 (chỉ đạt 1,95 tỷ đồng). Đây là mức lãi ròng trong quý I cao nhất kể từ khi doanh nghiệp lên sàn.
Sau khi chuyển nhượng dự án Marina, Tập đoàn Đất Xanh còn công bố ký kết hợp tác đầu tư dự án Water Garden (khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) với Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI).
Theo thỏa thuận, PPI sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và chuyển nhượng cho Đất Xanh dự án gắn liền với quyền sử dụng đất xây dựng chung cư có diện tích khuôn viên là 20.096,5 m2. Sau khi thực hiện ký kết, Đất Xanh cũng sẽ xúc tiến thiết kế, phát triển ý tưởng đầu tư hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án trong năm 2014.
Trước đó, Hội đồng quản trị DXG cũng đã nhận chuyển nhượng dự án chung cư Reverside Garden, quận Thủ Đức,TP HCM. Dự án có diện tích 20.096,5 m2 với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng, trong đó giá trị nhận chuyển nhượng đất dự kiến là 90 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, Lương Trí Thìn cho biết chiến lược năm 2014 của DXG là xem xét thâu tóm các dự án nhà đất tiềm năng nhưng trong tình trạng dang dở, bị bỏ hoang do chủ đầu tư thiếu nguồn lực tài chính. Dựa trên kinh nghiệm phân tích và nhận định thị trường, cùng những cơ hội đang xuất hiện, Đất Xanh sẽ chọn lọc để vào cuộc đầu tư hồi sinh các dự án mang lại giá trị sinh lợi cao.
Báo cáo thường niên năm 2013, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của DXG đạt 89,73 tỷ đồng, tăng 52% so với 2012. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 82,7 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2012.

Kinh doanh khách sạn 5 sao vẫn nhiều thách thức

Bên cạnh việc kinh tế chưa phục hồi, các khách sạn cao cấp đang gặp phải thách thức từ những nguyên nhân khách quan bên ngoài như vụ MH370, khủng hoảng chính trị tại Thái Lan... ảnh hưởng tới lượng khách du lịch, thuê phòng.
Quý IV/2013, thị trường TP.HCM đón nhận thêm hai khách sạn mới. Theo thống kê của Savills Việt Nam, đến cuối năm 2013, TP.HCM tổng cộng có 92 khách sạn  từ 3 đến 5 sao với 12.600 phòng, tăng 4% theo quý và 10% theo năm. Con số này được giữ nguyên trong quý I/2014.
Giá phòng trung bình đạt hơn 1,8 triệu đồng một phòng mỗi đêm, không đổi theo quý nhưng tăng 3% theo năm. Trong đó, phân khúc khách sạn 4 sao hoạt động tốt nhất với công suất phòng 81%. Tiếp theo là phân khúc 3 sao với 75% và 5 sao là 70%.
Năm 2012, công suất thuê phòng bình quân trên mỗi khách sạn 5 sao đạt 56,3%. Ở Hà Nội, quý I vừa có thêm một khách sạn 5 sao nữa đi vào hoạt động, nâng tổng số nhóm này lên 14 đơn vị.
new-world-6214-1398572223.jpg
Kinh doanh khách sạn 5 sao tại TP HCM năm vừa qua phần lớn chưa có sự đột phá về tăng trưởng. Ảnh: Newworld
Theo Grant Thornton Việt Nam, doanh thu tính trên mỗi phòng sẵn có (RevPAR) của 3 phân khúc khách sạn giai đoạn 2003 - 2012 tại Việt Nam đa phần đều giảm trung bình khoảng 0,2%. Riêng phân khúc 4 sao giảm đến 4,6%. Tuy nhiên, quý I/2014, RevPAR của 4 sao tại TP.HCM tăng mạnh với 18%, còn 5 sao lại giảm nhẹ 1%.
Đánh giá kinh doanh của các khách sạn 5 sao tại TP HCM trong năm vừa qua, ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc Khách sạn REX cho rằng phần lớn không có sự tăng trưởng đột phá. Thậm chí, qua quý I/2014, doanh thu giảm 1 - 2% so với cùng kỳ, một số khách sạn giảm đến 4 - 5%.
"Tình hình chung chưa có nhiều chuyển biến tích cực bởi vẫn còn ảnh hưởng khó khăn của nền kinh tế. Ngoài ra, sự chia sẻ lượng khách từ các khách sạn 3-4 sao cũng góp phần làm doanh thu khách sạn 5 sao sụt giảm”, ông Nghệ nói.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng giám đốc Khách sạn Majestic nhìn nhận bên cạnh những nguyên nhân về mùa thấp điểm hay cao điểm, việc kinh doanh trong lĩnh vực này còn bị tác động không nhỏ bởi một số yếu tố khách quan.
Cuối tháng 3/2014, kinh doanh khách sạn đang ổn định vì vẫn còn là tháng cao điểm nhưng từ ngày 20/3 trở đi lại sụt giảm đột ngột. Có thể do tai nạn máy bay MH370 hay tình hình chính trị tại Thái Lan khiến những người muốn đi du lịch tiếp tục trì hoãn kế hoạch", ông Vũ chia sẻ.
Song, nhiều nhà điều hành khách sạn nhận định tình trạng này chỉ mang tính chất tạm thời vì khi kinh tế ổn định, thị trường vẫn cần nguồn cung khách sạn hạng sang lớn, đặc biệt ở những khu vực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang. Thậm chí, ngoại trừ sự tăng trưởng vượt trội cả về công suất lẫn RevPAR của khách sạn 5 sao năm 2007, giai đoạn suy thoái kinh tế, nhiều đơn vị vẫn được giới chuyên môn đánh giá là kinh doanh hiệu quả.
TP.HCM hiện có 16 KS 5 sao, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm, nhưng giá phòng, thành phần khách lưu trú và chiến lược tiếp thị là hoàn toàn khác nhau.
Phân tích về nguồn khách lưu trú của khách sạn 5 sao, ông Nguyễn Đức Ngọc -Giám đốc Kinh doanh - Tiếp thị Tập đoàn TD Corp dẫn giải, khách du lịch thường được phân chia thành 3 thị trường gồm khách lẻ (cá nhân), khách đoàn (group) và khách thương nhân (corporate). Đối với nhóm khách đoàn lại được phân chia thành hai loại là doanh nhân (cấp quản lý) và khách đi theo diện thưởng của công ty.
Trong thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thường cắt giảm các chi phí công tác của quản lý cấp trung, nếu có cũng chuyển từ 5 sao xuống 3-4 sao. Trong khi đó, nhân viên được công ty thưởng lại có nhiều sự lựa chọn về địa điểm. Đó là lý do khiến công suất của khách sạn 5 sao giảm sút trong vài năm vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, ở đây phát sinh vấn đề khác là đối với nhà quản lý cấp cao (tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT, giới nhà giàu ngoại quốc...), chi phí công tác không bị cắt giảm. Do vậy, những khách sạn hạng sang vẫn kinh doanh tốt.
Nguồn cung khách sạn 5 sao tại TP.HCM nói riêng và trên phạm vị cả nước nói chung chưa nhiều nhưng mức độ cạnh tranh là không hề nhỏ. Đại diện
Đại diện Khách sạn Majestic đưa ra giả thiết nếu các khách sạn 5 sao đồng loạt giảm giá xuống còn 60 USD một phòng mỗi đêm thì sẽ như thế nào? Chính sách "bán lỗ” vừa "tự hạ thấp" mình, vừa không đủ kinh phí để bù đắp, nâng cấp bảo trì khách sạn theo đúng chuẩn, khi thị trường trở lại thì "5 sao" sẽ mất khách.
Do đó, thay vì hạ giá, các khách sạn 5 sao luôn "nhìn nhau" và điều chỉnh cho phù hợp với từng mùa, tùy tình hình, hoặc không giảm giá nhưng tạo ra các giá trị cộng thêm về dịch vụ cho khách lưu trú.
Mặc dù không bằng thời điểm đỉnh cao nhưng dư địa phát triển của mảng kinh doanh khách sạn 5 sao còn rất lớn. Nhìn vào thị trường TP.HCM, ông John Augustin - Giám đốc Điều hành Tập đoàn quản lý The Everly Group cho rằng tình trạng kết quả kinh doanh kém hơn giai đoạn 2007-2008 sẽ không kéo dài lâu. TP.HCM hay Hà Nội đang ở giai đoạn đầu như các thành phố lớn của Malaysia những năm 80 của thế kỷ trước nên dư địa phát triển còn rất lớn.
Thống kê của Savills tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về giá trị và xu hướng đầu tư trong khu vực đối với lĩnh vực khách sạn cho thấy Việt Nam đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2% trong tổng số 12 thị trường mà các nhà đầu tư quốc tế hiện diện. Singapore chiếm 10% và Thái Lan là 7%, Trung Quốc đạt tỷ trọng lớn nhất với 20%.
Do đó, đây là giai đoạn để các nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản Việt Nam mua những tài sản giá rẻ. Ông John Augustin chia sẻ đã không ít doanh nghiệp Việt Nam chào bán các dự án khách sạn đang triển khai cho The Everly Group.
Trong vai trò là một nhà đầu tư kiêm cổ đông tại Khách sạn Metropole, ông Andy Ho -  Giám đốc Điều hành Quỹ VOF, thuộc Tập đoàn VinaCapital nhấn mạnh nếu có những cơ hội đầu tư vào khách sạn 5 sao đang hoạt động hiệu quả, đơn vị này sẽ không từ bỏ cơ hội. Sau khi thoái vốn khỏi Khách sạn Legend (TP.HCM), VinaCapital cũng đang tìm đối tác để bán lại cổ phần tại Khách sạn Metropole Hà Nội. Ngoài ra, khách sạn New World và Le Meridien Sài Gòn tại TP.HCM cũng cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư mới. 

Ồ ạt bán dự án để trả nợ

Thị trường vẫn khủng hoảng thừa nên doanh nghiệp muốn bán tháo dự án lúc này cũng không dễ dàng.
Ngày 23/4 Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI) thông báo hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Water Garden (quận Thủ Đức) cho Công ty Đất Xanh. Giá trị thương vụ chưa được tiết lộ, tuy nhiên theo kế hoạch PPI báo cáo cổ đông giữa tháng 4, mức đầu tư dự án này ước tính khoảng 90 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Công ty PPI Phạm Đức Tấn cho biết đến 31/12/2013, nợ phải trả của PPI lên đến hơn 511 tỷ đồng. Để xử lý giảm 40-50% nợ trong năm nay, công ty sẽ chuyển nhượng nguyên trạng toàn bộ dự án PPI Tower trị giá 51 tỷ đồng cho Công ty Tài chính TNHH Cao su Việt Nam. Doanh nghiệp cũng bán toàn bộ dự án Water Garden với mục tiêu trả nợ ngân hàng Sacombank và giải quyết một phần các khoản nợ khác.
a-tb-o-at-ban-du-an-de-tra-1409-13986018
Phối cảnh dự án Water Garden (quận Thủ Đức) vừa được Công ty PPI chuyển nhượng cho Công ty Đất Xanh. Ảnh: PPI
Công ty Vạn Phát Hưng mới đây cũng lên kế hoạch chuyển nhượng một phần đất dự án Nhơn Đức (30 hecta) cho hai trường đại học để giảm áp lực tài chính. Thương vụ đã thỏa thuận nhiều lần, kéo dài hơn một năm và dự kiến hoàn tất trong năm 2014.
Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Phát Hưng - ông Võ Anh Tuấn cho biết nếu chuyển nhượng thành công 30 hecta đất dự án Nhơn Đức cho đối tác, doanh nghiệp sẽ dùng một phần nguồn thu này để tái cơ cấu lại nguồn vốn công ty, giảm bớt tỷ lệ nợ vay.
Trường hợp của Công ty Intresco tuy đã ký hợp đồng bán dự án Intresco Tower (quận Phú Nhuận) nhưng doanh nghiệp vẫn phải hồi hộp chờ đối tác trả tiền đợt 2 (180 tỷ đồng) vào kỳ hẹn trước ngày 30/4 tới. Hiện thương vụ này chỉ vừa thực hiện đến giai đoạn đối tác đặt tiền cọc dự án.
CEO Intresco, Trương Minh Thuận cho biết, có rất nhiều dự án bất động sản của doanh nghiệp rao bán từng phần hoặc đang kêu gọi đầu tư đều chưa thể tìm được đầu ra. Hiện Intresco vẫn còn vốn đầu tư vào 8 đơn vị, trong đó có một công ty con với tổng số vốn đầu tư là 186,05 tỷ đồng. Năm 2014 công ty tiếp tục chào bán các khoản đầu tư tại các đơn vị liên kết.
CEO Intresco bộc bạch, 3 năm qua ông thấm thía tình cảnh khủng hoảng thừa trên thị trường địa ốc. "Lượng dự án rao bán ê hề nhưng đối tác có sẵn tiền để mua rất ít. Chúng tôi thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng đàm phán mãi mà không tìm được đầu ra", ông Thuận nói.
a-tb-2-o-at-ban-du-an-de-tr-9286-1398601
Phối cảnh khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè đang được Công ty Vạn Phát Hưng đàm phán bán một phần (30 hecta) cho 2 trường đại học.
Phó tổng giám đốc một công ty phát triển bất động sản cao cấp tại quận 7, TP HCM chia sẻ với VnExpress.net: "Không chỉ có những dự án bán toàn bộ hoặc từng phần gặp trục trặc khi tìm đầu ra, ngay cả việc hợp tác đầu tư cũng mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, đàm phán. Nguyên nhân là do thị trường thừa mứa nguồn cung".
Chuyên gia này cho hay, vì đối tác có quá nhiều sự lựa chọn trong khi chủ đầu tư rơi vào tình cảnh cấp bách buộc phải bán nên các thương vụ thường bị vướng ở khâu đàm phán giá cả và phương thức thanh toán. Các quỹ đầu tư, những tập đoàn lớn khi đàm phán mua dự án chỉ trả những mức giá thấp hoặc trì hoãn thanh toán tiền một lần. Có những đối tác đi săn dự án đã qua đến vòng đàm phán thứ tư nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, thời gian chờ kéo dài tối thiểu 12-18 tháng.
Chuyên viên tư vấn Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích, số lượng dự án bất động sản xếp hàng chào bán để thu hồi vốn trên thị trường đang có xu hướng tăng mạnh trong năm 2014. "Do chỉ thừa hàng thải chứ không nhiều hàng ngon nên bên bán sốt ruột, bên mua chần chừ. Đây là bài toán nan giải khi rất nhiều chủ đầu tư bế tắc trong khâu đàm phán đầu ra", ông Nghĩa nhận xét.
Theo chuyên gia này, việc chào bán toàn bộ hoặc từng phần các dự án có thành công hay không nằm ở khả năng chịu lỗ và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Với những chủ đầu tư sẵn sàng bán tháo với tỷ lệ chịu lỗ sâu và kiên quyết đẩy hàng đi để tìm cơ hội mới thì vẫn nắm được cơ hội. Song, nếu bên bán không chấp nhận cắt lỗ mạnh tay vì nhiều lý do thì ngay cả đàm phán lần đầu cũng không có.
Ông Nghĩa đánh giá, dữ liệu từ nhóm khách hàng tổ chức GIBC đã tiếp cận trong 3 năm qua, các quỹ đầu tư, đối tác trong và ngoài nước vẫn chưa tỏ ra thật sự mặn mà đầu tư vào các dự án bất động sản cũ. Họ chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, khảo sát và thận trọng với các dự án bị đình trệ quá lâu hoặc dở dang nhưng phức tạp về pháp lý. "Có thể vấn đề pháp lý cũng là lý do khiến những thương vụ thành công vẫn còn ít. Hầu như các dòng vốn chảy vào bất động sản đều tập trung ở những dự án mới, pháp lý an toàn hoặc có giá trị thương mại, dịch vụ cao", ông nói
.

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Nga bị hạ tín nhiệm xuống gần mức rác

Hãng xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Mỹ - Standard & Poor’s vừa đánh tụt xếp hạng của Nga từ BBB xuống BBB- với triển vọng tiêu cực.
Đây là mức thấp nhất trong bậc "đầu tư". S&P cảnh báo có thể còn hạ nữa nếu tăng trưởng tại đây tiếp tục trì trệ và phương Tây áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt lên Nga quanh vấn đề Ukraine. Lần cuối cùng Nga bị S&P hạ tín nhiệm là tháng 12/2008.
"Căng thẳng địa chính trị với Ukraine có thể gây ra làn sóng rút vốn ra khỏi Nga, từ đó làm yếu triển vọng tăng trưởng vốn đã mong manh của nước này", S&P cho biết.
nga-1-7794-1398414883.jpg
Nga đã bị hạ triển vọng tín nhiệm vì căng thẳng với Ukraine. Ảnh: Bloomberg
Mỹ và các đồng minh đã có danh sách trừng phạt bổ sung và sẽ hành động nếu tiến trình bình ổn Ukraine gặp trục trặc, Tổng thống Mỹ - Barrack Obama hôm qua cho biết. Cuối tháng 3, Nga cũng đã bị Moody’s Investors Service xếp vào diện xem xét hạ tín nhiệm và bị Fitch Ratings cắt giảm triển vọng xuống tiêu cực.
"Quyết định trên chúng tôi cũng dự đoán được một phần. Nga gần như đã chìm trong khủng hoảng, kể cả không bị trừng phạt", Dmitry Dorofeev tại BCS Financial Group cho biết.
Giá trái phiếu Nga niêm yết bằng USD đáo hạn tháng 4/2020 đã giảm ngày thứ 4 liên tiếp vào hôm qua, đẩy lãi suất trái phiếu lên 4,77% - cao nhất kể từ giữa tháng 3. Theo ông Dmitry Polevoy – kinh tế trưởng tại ING Groep, lãi suất này có thể tăng thêm 0,6% với mỗi lần Nga bị hạ tín nhiệm.
Việc Tổng thống Nga – Vladimir Putin sáp nhập Crimea tháng trước đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo tài sản tại Nga, khi Mỹ và châu Âu áp dụng các lệnh trừng phạt lên quan chức nước này, đồng thời đe dọa mạnh tay hơn nữa.
Bộ trưởng Tài chính Nga - Anton Siluanov tuần trước cho biết nước này có thể tăng trưởng dưới 0,5% năm nay, hoặc thậm chí đứng yên do "bất ổn địa chính trị" khiến vốn đầu tư rút khỏi nền kinh tế. Quý I năm nay, gần 51 tỷ USD đã rời khỏi Nga, gần bằng 63 tỷ USD cả năm ngoái. GDP nước này cũng chỉ tăng 1,3% năm ngoái – chậm nhất kể từ 2009.
Ruble Nga đã giảm 8,4% so với USD năm nay. Đây là đồng tiền tệ thứ nhì trong 24 nước mới nổi được Bloomberg theo dõi, sau peso Argentina
.

Việt Nam là thị trường nóng nhất của Apple

Doanh thu của hãng tại Việt Nam tăng gấp ba, nhanh gấp 5 lần Ấn Độ - nơi Apple đang chi rất mạnh tay để giành giật thị phần.
Trước đây, Việt Nam hầu như không được ban lãnh đạo của Apple để cập đến trong các báo cáo. Tuy nhiên, trong cuộc họp hàng quý hôm 23/4, Apple đã nói về tiềm năng tại đây.
Doanh thu của hãng tại Việt Nam đã tăng gấp ba trong nửa đầu tài khóa 2014 (kết thúc vào 31/3), riêng doanh thu iPhone đã tăng hơn gấp đôi. Tốc độ này có vẻ sẽ tiếp tục đi lên khi người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu thuộc giới trẻ, chuộng công nghệ; số người dùng Internet và điện thoại ngày càng tăng; và tầng lớp trung lưu được dự báo lên gấp đôi vào năm 2020.
Các hãng công nghệ Việt Nam cũng ngày càng phát triển, tạo ra các sản phẩm như Flappy Bird. Ứng dụng này đã nhanh chóng nổi tiếng và trở thành một trong những game di động được tải nhiều nhất thế giới.
ipad-jpeg-7372-1398399589.jpg
Sở hữu một chiếc iPad không còn là vấn đề khó khăn với nhiều người Việt Nam. Ảnh: Reuters
Người trẻ Việt Nam tìm đến các cửa hàng để mua những chiếc iPhone có giá bằng một nửa thu nhập bình quân đầu người năm 2012. Tuy nhiên, họ cho rằng điều này là xứng đáng. "Điện thoại này bằng hơn 2 tháng lương của tôi đấy. Nhưng tôi vẫn cần mua để tự tin hơn khi đi chơi với bạn bè và đồng nghiệp", Phạm Mỹ Linh - một nhân viên văn phòng 23 tuổi cho biết trên Reuters.
Nhu cầu này trái ngược hoàn toàn với triển vọng kinh tế ảm đạm do nợ xấu cao và nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. GDP Việt Nam chỉ tăng 5,4% năm ngoái. Theo các nhà kinh tế học, số liệu này không tương xứng với tốc độ gia tăng dân số và tiềm năng sản xuất, bán lẻ trong nước.
Các hãng kinh doanh smartphone tại Việt Nam cho biết nhu cầu nâng cao địa vị xã hội đã đẩy doanh thu sản phẩm của Apple tăng vọt. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá, hỗ trợ thanh toán đã giúp người dùng có khả năng chi trả những thiết bị có giá trên cả thu nhập trung bình hàng tháng của họ.
Nhu cầu này không chỉ làm lợi cho Apple, mà còn cho phần lớn các hãng sản xuất máy tính bảng và smartphone, như Samsung hay HTC. Lượng tiêu thụ điện thoại phổ thông giảm sút chứng tỏ người Việt Nam ngày càng muốn chuyển lên smartphone cao cấp, các nhà phân tích ngành cho biết.
"Tôi không nhận thấy có dấu hiệu suy thoái kinh tế nào trong cửa hàng này cả. Mọi người mua đồ 1.000 USD rất dễ dàng, và việc các gia đình có iPad cũng chẳng phải chuyện hiếm", quản lý một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn FPT cho biết.
Theo số liệu công bố hồi tháng 1 của hãng nghiên cứu GfK, smartphone chiếm 77% doanh số bán điện thoại tại Việt Nam năm ngoái. Số lượng bán ra tăng gần 135% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh số máy tính băng tăng hơn gấp 3 với giá giảm gần 27%.
Rất nhiều công ty đang để mắt đến Việt Nam. Do hai thành phố lớn tại đây có tới 15 triệu dân, chỉ 30 triệu người sử dụng Internet trên tổng số 90 triệu dân. Bên cạnh đó là hai phần ba dân số dưới 30 tuổi.
Apple không phải là bên duy nhất hưởng lợi từ chính thương hiệu của mình. Các loại iPhone nhái với thiết kế gần như y hệt cũng bán rất chạy với giá chỉ 95 USD (2 triệu đồng). "Có rất nhiều người không đủ tiền mua iPhone xịn, nhưng vẫn muốn trông giàu có. Việc này đã giúp các cửa hàng như tôi ăn nên làm ra. Tại sao phải trả cái giá gấp 10 cho một chiếc iPhone thật chỉ để khoe khoang và tỏ ra mình giàu có chứ?", Nguyễn Đức Hải – chủ một cửa hàng điện thoại cho biết.

Ý tưởng triệu USD từ cuộc thi marathon

Để việc tập luyện trên máy chạy không nhàm chán, Gary McNamee đã tạo ra một ứng dụng quay lại các đường chạy và cả cuộc đua, có thể tự động điều chỉnh tốc độ video theo nhịp tim của người dùng.
Gary McNamee vẫn còn nhớ như in lúc anh nảy ra ý tưởng kinh doanh này. Đó là trong cuộc thi marathon Boston năm 2010. Khi ấy, McNamee đã chạy được hơn 33 km. Trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, anh chợt nghĩ đến việc quay lại toàn bộ quãng đường 42 km từ Hopkinton đến Boston và xem video đó mỗi lần tập chạy.
Ngay đó, anh cũng đã quyết định sẽ biến việc này thành ý tưởng kinh doanh, với mục đích giúp mọi người thoát khỏi cảm giác nhàm chán khi tập với máy chạy. "Đây có vẻ là ý tưởng rất đơn giản. Nhiều người sẽ nói ‘Tôi cũng từng nghĩ đến rồi’ hay ‘Tôi không tin là chưa có ai từng làm việc đó’. Nhưng mà nghĩ ra nó cũng đâu phải dễ", anh cho biết trên Business Journals.
outsideinteractive-9120-1398395866.jpg
Virtual Runner sẽ giúp người dùng bớt nhàm chán khi tập chạy. Ảnh: Courtesy
Sau đó, McNamee mất tới 4 năm để hoàn thiện ý tưởng và thành lập Outside Interactive. Đầu tuần này, họ đã chính thức khai trương cửa hàng tại Hopkinton.
Outside Interactive tạo ra một ứng dụng cho iOS và Windows có tên Virtual Runner, quay lại quang cảnh các đường chạy. Đến nay, ứng dụng này đã nhận được hơn 15.000 lượt download trên iPad và 2.000 lượt trên các máy tính bảng chạy Windows.
Người dùng được tùy chỉnh bằng tay tốc độ của video tương ứng với nhịp chạy. Họ cũng có thể sử dụng công nghệ cảm biến không dây ANT+, kết hợp với các thiết bị như máy đo nhịp tim để tự động điều chỉnh tốc độ video.
Hơn 30 video đường chạy cho Windows và iOS đang được bán với giá 19,99 USD. Quang cảnh cũng rất đa dạng, từ mùa hè tại công viên Central Park (New York) đến 10 km đường chạy tại thị trấn mỏ Crested Butte (Colorado) và cả các sa mạc ở Australia.
McNamee cho biết mỗi video được quay bằng xe hai bánh Segway, sử dụng thiết bị chống rung Steadicam và mất ba tháng từ lúc quay đến khi chỉnh sửa xong. Đoạn đường trong các video có độ dài 10 km. Mọi người có thể chỉnh tốc độ chạy tùy ý mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng phim.
Outside Interactive cũng quay lại các cuộc chạy đua, như New Balance Falmouth Road Race. Vì thế, người dùng có thể biết một cuộc đua diễn ra như thế nào. Video này đã được download tại 75 quốc gia kể từ tháng 11 năm ngoái. “Mọi người có thể tập luyện trước cho cuộc đua và học được nhiều thứ”, McNamee cho biết.
Anh đã đầu tư gần 750.000 USD tiền riêng vào công ty và lên kế hoạch huy động vốn chính thức cuối năm nay. Mục tiêu của anh là thu về khoảng 1 triệu USD.
Outside Interactive hiện có 6 lập trình viên và nhân viên quay phim bán thời gian. Doanh thu hiện tại của họ đến từ việc bán video, quảng cáo trong video và một phần doanh thu từ các cuộc đua được quay lại.
Dù vậy, mục tiêu cuối cùng của anh vẫn là kết nối trực tiếp máy chạy với Virtual Runner. "Tôi muốn máy tập có thể kiểm soát tốc độ video và ứng dụng của mình cũng có thể điều khiển việc nâng lên hạ xuống của máy theo địa hình trong video", anh nói.
McNamee là người rất đam mê kinh doanh. Trước Outside Interactive, anh từng thành lập IPS – hãng sản xuất phần mềm cho doanh nghiệp và Laser-Fax – sản xuất các ống mực cho máy in
.

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Mở bán khu căn hộ Ocean Apartments ven biển Đà Nẵng

Thương hiệu bất động sản VinaLiving thuộc Tập đoàn VinaCapital sẽ tổ chức giới thiệu và mở bán khu căn hộ bên biển The Ocean Apartments cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng vào ngày 24/4 tại Hà Nội.
Tại sự kiện lần này, VinaLiving sẽ giới thiệu The Ocean Apartments, một trong nhiều dự án được phát triển bởi nhà đầu tư của The Ocean Villas - khu biệt thự thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng (Danang Beach Resort) đã được bán hết.
h2.jpg
Khu căn hộ bên biển The Ocean Apartments.
Tọa lạc tại vị trí thuận tiện, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 20 phút đi xe, The Ocean Apartments nằm trên trục đường nối liền cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. 
Dự án bao gồm 46 căn hộ được thiết kế theo phong cách nhiệt đới đương đại kết hợp không gian mở, thoáng rộng và hòa quyện cùng thiên nhiên xung quanh. Hầu hết các căn hộ đều có tầm nhìn ra đại dương xanh cùng với Cù Lao Chàm phía khơi xa. Khách hàng có thể thoải mái lựa chọn tổ ấm phù hợp với nhu cầu của gia đình với các căn hộ 1-2 phòng ngủ.
h1.jpg
Nội thất thiết kế mang phong cách hiện đại. The Ocean Apartments sẽ được mở bán vào ngày 24/4 tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội. Khách hàng đăng ký tham dự sự kiện qua số điện thoại 0938527378 hoặc 0905808388.
Sở hữu căn hộ cao cấp bên biển The Ocean Apartments, chủ nhân sẽ được tận hưởng những tiện ích nghỉ dưỡng từ câu lạc bộ biển WhiteCaps của Danang Beach Resort và sân golf The Dunes 18 lỗ bên biển được thiết kế bởi Greg Norman, một huyền thoại của làng golf thế giới.
Ngoài ra, khu căn hộ còn có những tiện ích riêng như hồ bơi lớn với không gian xanh mát tại vị trí trung tâm, khu vực tòa nhà quản lý với sảnh chờ, câu lạc bộ thiếu nhi, phòng tập thể dục, phòng trưng bày, nhà hàng kết hợp cùng sân chơi và không gian thư giãn ngoài trời.

Thị trường địa ốc bắt đầu tan băng

Khả năng sốt nóng khó xảy ra, song nhiều chuyên gia khẳng định bất động sản đang tan băng và dần hồi phục.
Vấn đề giá cả, diễn biến thị trường bất động sản trong năm nay được quan tâm tại buổi Tọa đàm trực tuyến về cơ hội, chính sách cho thị trường bất động sản năm 2014 do VCCI và báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng 23/4.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CenGroup cho hay, thị trường bất động sản đã có xu hướng chuyển biến từ cuối năm 2013. Đến năm nay, địa ốc đang dần tan băng và thiết lập một trật tự mới. Thị trường Hà Nội hiện chủ yếu là người mua thực. "Nhóm cầu đầu tư dài hạn sẽ hạn chế tham gia thị trường do khả năng sinh lời khá thấp", ông Hưng nhận định.
bds-4201-1398238715.jpg
Thị trường bất động sản được nhận định đang tan băng. Ảnh: Hoàng Lan
Theo ông Hưng, giá bất động sản Việt Nam hiện không quá cao thậm chí thấp hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Myanmar…  Do hạ tầng của nhiều vùng chưa ổn định, địa ốc Việt Nam có đặc thù riêng. Ông nhận định, ở các khu vực bất động sản trung tâm do có khả năng đưa vào sử dụng được ngay nên giá bất động sản tăng khoảng 5-7%. "Với những dự án ngoài vành đai 3, vành đai 4, cơ sở hạ tầng hạn chế, khoảng cách xa, có thể sẽ tiếp tục giảm", lãnh đạo Cen Group nhận định.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Thụy Nhân, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh cho rằng thị trường đang trong chu trình xử lý, điều chỉnh theo nhu cầu và lòng tin đối với địa ốc đang dần hồi phục. Dẫn khái niệm ISO, ông Nhân nhận định: "Giá của nhà sản xuất đang dần dần phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng".
Lãnh đạo doanh nghiệp này dẫn chứng, nguồn cung của bất động sản đang đi gần phù hợp với nhu cầu của thị trường, bởi các công ty phát triển bất động sản ngày càng thông minh, nhanh nhạy với thị trường hơn. "Giá sản phẩm thay đổi khi thị trường ấm lên. Có những phân khúc sẽ phải giảm giá, điều chỉnh để phù hợp với người mua", ông Nhân nhận định.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, xu hướng giảm giá đang chưgiá nhà có dấu hiệu chững lại, không giảm liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ tại Hà Nội. Bộ cho rằng, năm nay, thị trường sẽ tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng mỗi m2. Các dự án căn hộ, trung và cao cấp đã xong phần thô đang hoàn thiện, có vị trí thuận lợi cũng sẽ có giao dịch tốt hơn.
Dự báo về kịch bản của thị trường bất động sản năm nay, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, thị trường bất động sản sẽ diễn biến theo chiều hướng chạm đáy rồi phục hồi dần. Theo ông, năm 2014 sẽ vẫn là một năm có nhiều thử thách với thị trường.
Thận trọng trong việc nhận định về thị trường, chuyên gia Savills cho rằng, sự phục hồi của địa ốc sẽ diễn ra cục bộ trên từng mảng thay vì đồng loạt. "Đối với phân khúc thương mại, cho thuê, cung và cầu sẽ vẫn còn nhiều vấn đề. Với phân khúc nhà ở để bán, các sản phẩm giá bình dân và trung cấp sẽ có thể có sự cải thiện", ông Matthew cho hay.
Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến tin tưởng thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc ngay nhưng đang tan băng. Lý giải điều này số đông đại biểu tin rằng, thị trường đang đón nhận những tín hiệu vui như lãi suất giảm, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đang tăng dần, các ngân hàng bắt tay nhau để liên kết 4 nhà nhằm đưa dòng tiền đi đúng hướng…
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho hay, hiện thị trường đang điều chỉnh theo xu hướng tích cực. Trước mắt, Bộ đang rà soát lại các cơ chế chính sách đồng thời sửa đôi bổ sung cho phù hợp với điều kiện hiện nau như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản để chính sách công khai, giá cả nhà ở ổn định.
Theo ông Hà, vừa qua, thông tin về giá nhà ở có quá nhiều luồng. Để thống nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư yêu cầu thí điểm chỉ số giá bất động ở 5 địa phương như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. “Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp và công bố giá mỗi vùng trên toàn quốc để thông tin về thị trường được minh bạch”, ông Hà nói
.

4 bí kíp chọn mua cổ phiếu của Adam Khoo

Luôn tập trung vào những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đều mỗi năm, lưu ý hoạt động giao dịch của lãnh đạo công ty là những tiêu chí Adam Khoo đặt ra mỗi khi chọn mua cổ phiếu.
Trở thành triệu phú từ năm 26 tuổi, nhà đầu tư nổi tiếng Singapore - Adam Khoo vừa có buổi trò chuyện với các nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về kinh nghiệm và chiến lược lựa chọn cổ phiếu. 
Chia sẻ sáng 18/4, Khoo cho biết dành ít nhất 30 phút trước khi thị trường mở cửa mỗi ngày để xem biểu đồ và nắm xu thế hiện thời. Đến cuối tuần, nhà đầu tư này lại dành 2-3 tiếng để nghiên cứu, phân tích và tìm ra những doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt, luôn có bước tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh. Dưới đây là 4 tiêu chí Adam Khoo cho rằng quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất trong mỗi quyết định đầu tư.
adam-khoo-8033-1397813308.jpg
Ông Adam Khoo -  một trong những người giàu nhất Singapore ở tuổi đời dưới 40.
1. Luôn tập trung vào cổ phiếu công ty hoạt động ổn định
Khi lựa chọn cổ phiếu, Khoo chia sẻ ông sẽ chỉ tập trung vào những doanh nghiệp tạo ra doanh số và lợi nhuận tăng liên tục mỗi năm. Còn số năm là bao nhiêu tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của từng người.
“Chẳng hạn như Warren Buffett yêu thích chiến lược dài hạn và muốn nắm cổ phiếu trong 15 năm. Ông ấy sẽ phải kiểm tra dữ liệu doanh nghiệp trước khi đầu tư với lịch sử hoạt động khoảng 10 năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chỉ cần thống kê dữ liệu trong 3-4 năm gần nhất”, ông nói.
Một điều quan trọng nữa chuyên gia này lưu ý là dư nợ của doanh nghiệp không được quá lớn so với trị giá tài sản. Yếu tố này phòng trường hợp khi lãi suất vay tăng cao, công ty vẫn đủ khả năng trả nợ. Các nhà đầu tư ngắn hạn và lướt sóng có thể không quan tâm đến yếu tố này, nhưng trong dài hạn, đây là vấn đề cần được lưu ý, Khoo nhấn mạnh.
2. Lưu ý động thái giao dịch nội bộ công ty
Những giao dịch nội bộ có thể đến từ những lãnh đạo – người trực tiếp đang điều hành công ty như chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc… Theo kinh nghiệm và sự quan sát của mình, vị triệu phú Singapore này cho biết ông nhận thấy mỗi khi những lãnh đạo này mua cổ phiếu chính công ty, thị giá của chúng sau đó thường tăng. Bởi lẽ, đây là những người hiểu và nắm rõ nhất các hoạt động công ty.
Thế nhưng nếu hàng loạt cổ đông nội bộ lại bán cổ phiếu, các nhà đầu tư cũng nên sớm tính chuyện rút lui khỏi doanh nghiệp. Nhiều công ty chứng khoán hay đưa ra những báo cáo khuyến nghị mua-bán cho nhà đầu tư với từng mã cụ thể. Dù vậy, “tôi cho rằng mỗi người nên tự có chiến lược riêng, hãy đọc và tự nghiên cứu những doanh nghiệp mình đang sở hữu cổ phiếu” – Khoo nói.
Ở Hong Kong, từng có trường hợp công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu một doanh nghiệp chuyên về hoa quả khi mã này đang có giá rất rẻ, chỉ khoảng 1 HKD. Tuy nhiên, hầu như nhiều nhà đầu tư khi đó đã không biết hàng loạt cổ đông nội bộ công ty này đồng loạt bán cổ phiếu doanh nghiệp. Chỉ một thời gian ngắn sau, thị giá cổ phiếu công ty hoa quả trên đã xuống dưới 50 cent.
3. Chỉ mua khi thị giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực tế
Giá trị thực tế của một của cổ phiếu còn được gọi là “giá trị sổ sách”, tính trên hiệu số giữa tổng tài sản và các khoản nợ, không bao gồm lãi. Thông thường, Khoo cho biết ông tìm đến những cổ phiếu đang có thị giá thấp hơn giá trị thực tế.
Dù vậy, chuyên gia này cũng chia sẻ phần lớn giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi cung, cầu trên thị trường và đa số không phản ánh đúng giá trị thực. “Cảm xúc nhà đầu tư là yếu tố luôn chi phối sự tăng, giảm giá mỗi cổ phiếu. Ngay khi một tin tức tiêu cực hoặc có lợi cho doanh nghiệp được tung ra, nhiều người có thể lập bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là tìm ra giá trị thực một cổ phiếu là bao nhiêu và mua khi thị giá thấp hơn mức này”, vị triệu phú nhấn mạnh.
4. Lựa chọn đúng xu hướng để mua
Khoo kể nhiều người từng chia sẻ với ông rằng tại sao họ đã lựa chọn những công ty tốt nhất để mua cổ phiếu, nhưng sau đó thị giá vẫn suy giảm. Theo chuyên gia này, mua cổ phiếu của công ty tốt chưa đủ, một trong những yếu tố quan trọng khác là “phải chọn đúng thời điểm”.
Sử dụng phân tích kỹ thuật với các biểu đồ thống kê biến động của chỉ số chứng khoán từ 50 đến 150 phiên có thể giúp nhà đầu tư nắm bắt xu thế. Trong đó, giả sử đường màu xanh nước biển trên biểu đồ tượng trưng cho diễn biến của 50 phiên giao dịch, còn màu xanh lá cây hiển thị 150 phiên. Khi đường xanh nước biển nằm phía trên màu xanh lá cây, thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại.
Những loại biểu đồ thế này nhà đầu tư có thể dùng thông qua một số phần mềm có sẵn và chỉ cần nhập số liệu. Dù là tự thống kê hay nhờ phần mềm xử lý, chuyên gia này lưu ý nhà đầu tư “luôn mua cổ phiếu trong xu thế tăng và lập tức bán ngay khi nhận ra đà giảm”.
Adam Khoo là Chủ tịch kiêm giáo viên tại Adam Khoo Learning Technologies Group Pte Ltd - một trường đào tạo về nhiều lĩnh vực như đầu tư, tài chính hay quảng cáo tại Singapore cùng một số quốc gia khác. Ông cũng là tác giả một loạt cuốn sách bán chạy như Bí quyết tay trắng thành triệu phú, Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỷ, Tôi tài giỏi - bạn cũng thế..
Với nỗ lực của bản thân, Adam Khoo đã trở thành triệu phú năm 26 tuổi và từng là một trong 25 người giàu nhất Singapore với tuổi đời dưới 40. Ông đang sở hữu bốn công ty trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quảng cáo và tổ chức sự kiện với tổng doanh thu hàng năm lên đến 30 triệu USD. Ngoài ra, Adam cũng là một chuyên gia tư vấn danh tiếng trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị, quản trị, lãnh đạo và phát huy tiềm năng con người.

Người giàu mua bất động sản, người nghèo thích vàng

Có 33% người thu nhập cao tại Mỹ cho rằng bất động sản là lựa chọn tốt nhất cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Chỉ 18% trong số họ chọn vàng vì coi đây là hình thức đầu tư bị động, thiếu lạc quan.
sing-0-2007-1398246837.jpg
Bất động sản được nhiều người giàu chọn làm nơi đầu tư.
Để biết được quan điểm xã hội của một ai đó, hãy hỏi họ đâu là cách đầu tư dài hạn tốt nhất. Các lựa chọn thường xuyên gồm bất động sản, cổ phiếu, quỹ đầu tư, vàng, tài khoản tiết kiệm cá nhân hoặc trái phiếu.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Gallup, những người Mỹ có thu nhập cao có xu hướng lựa chọn bất động sản và cổ phiếu làm nơi đầu tư, đa phần vì họ có kinh nghiệm trong những lĩnh vực này. Nhóm người giàu thường sở hữu nhà riêng (87%) trong khi chỉ có 36% người thu nhập thấp đáp ứng được điều này. Khoảng 33% người có nhà cho rằng bất động sản là lựa chọn tốt nhất cho kế hoạch đầu tư dài hạn và chỉ 22% người đi thuê có cùng quan điểm trên.
Trong khi đó, 31% những người thu nhập thấp (dưới 30.000 USD một năm) cho rằng vàng là lựa chọn số một để đầu tư dài hạn. Chỉ có 18% người giàu lựa chọn kênh này. Trái phiếu là hình thức ít được lựa chọn nhất.
Theo Barry, một người muốn mua và đầu tư vào địa ốc cần có đủ những điều kiện như: thu nhập vững vàng, có tiền tiết kiệm để đặt cọc và tín dụng tốt. Đổ tiền vào bất động sản cũng chắc chắn một điều rằng nhà đầu tư sẽ được pháp luật bảo vệ và không ai có thể cướp khỏi tay họ được. Cổ phiếu cũng tương tự, phản ánh niềm tin dài hạn vào khả năng mở rộng quy mô, sản phẩm dịch vụ. Đây được xem là loại tài sản thể hiện tính lạc quan.
Cần chú ý rằng kinh doanh không chỉ cần có vốn, niềm tin và lạc quan vào nền kinh tế thành công rất quan trọng. Điều này thể hiện trong sự tin tưởng vào kinh tế hiện tại, hệ thống luật pháp và chính quyền, dù không hoàn toàn công minh nhưng ít nhất cũng đừng quá chuyên quyền hay bất thường.
Vàng là tài sản có thể mang theo, được giao dịch, trao đổi hợp pháp mà ít thủ tục. Kim loại quý này vẫn có giá kể cả khi nền kinh tế gặp sự cố. Xung quanh vàng như có một hàng rào vô hình bảo vệ trước những vấn đề tiêu cực tiềm tàng. Cũng vì thế, đây được xem là khoản đầu tư bi quan khi người sở hữu muốn tìm một biện pháp an toàn
.

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Giá xăng tăng 210 đồng một lít từ 12 giờ

Giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 được đưa lên mức tối đa 24.900 đồng. Các mặt hàng dầu, trừ madút, cũng được điều chỉnh 130-170 đồng. 
Từ 12h trưa nay (22/4) giá bán lẻ xăng RON 92 được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa lên mức 24.900 đồng một lít. RON95 cũng được điều chỉnh lên 25.400, tăng 210 đồng so với giá cũ. Mức thay đổi với các mặt mặt hàng khác cụ thể như sau:
xang-2.jpg
Thay đổi của doanh nghiệp được thực hiện sau thông báo của Bộ Tài chính, cho phép các đơn vị này điều chỉnh với mức tối đa 214 đồng cho xăng RON 92. Mặt hàng dầu diezen và dầu hỏa cũng lần lượt tăng tối đa là 170 đồng và 130 đồng. 
Như vậy, sau khi điều, giá xăng RON 92 của hầu hết các đơn vị sẽ lên mức 24.900 đồng, dầu diezen 23.820 đồng và dầu hỏa là 22.480 đồng. Mặt hàng dầu madút được giảm giá nhẹ do có giá cơ sở (18.299 đồng một kg) hiện thấp hơn giá bán.
xang-01-3597-1398143466.jpg
Người tiêu dùng bắt đầu mua xăng với giá mới từ 12h. Ảnh: Anh Quân
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều hành 11/4 nhìn chung có xu hướng tăng. Giá xăng, dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày từ ngày 23/3 đến 21/4 cụ thể xăng RON 92 là 116,49 USD một thùng, dầu diezen 0,05S là 122,15 USD, dầu hỏa 119,95 USD, dầu madút 180 cst 3,5S là 597,64 USD mỗi tấn. Theo đó, chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu cụ thể như sau:
xang-8485-1398143414.jpg
Chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. 
Cùng với điều chỉnh giá, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng. Đồng thời, các đơn vị phải ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng (trước đó là 50 đồng một lít). Việc sử dụng quỹ hiện cũng không được áp dụng với mặt hàng dầu diezen, dầu hỏa và madút. 
Đây là lần tăng giá xăng thứ 2 kể từ đầu năm. Lần điều chỉnh tăng giá xăng gần đây nhất là hôm 19/3 với 180 đồng một lít sau khi tăng 300 đồng mỗi lít hôm 21/2. Trong khi đó, với mặt hàng dầu thì đây là lần điều chỉnh thứ 7
.

Đại học Kinh tế TP HCM: Cần cấm ngân hàng kinh doanh vàng

Chấm dứt nghiệp vụ giữ hộ và kinh doanh vàng của ngân hàng thương mại sẽ giúp dập tắt mọi nguy cơ đe dọa an toàn hệ thống, theo ý kiến các chuyên gia.
Đại học kinh tế TP HCM sáng nay công bố báo cáo thường niên mang tên "Triển vọng kinh tế 2014". Trong đó, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, Trưởng Khoa Tài chính, cho rằng nghiệp vụ giữ vàng hộ dù được đưa ra ngoài bảng cân đối tài sản của ngân hàng thương mại, nhưng bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi. Vàng vẫn được huy động và được ghi chép dưới khoản mục nào đó và khi đưa ra ngoại bảng, càng khó kiểm soát hơn.
Theo ông Thơ, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực thực hiện chủ trương cấm chuyển đổi vốn vàng huy động sang tiền đồng, nhưng lại cho phép ngân hàng kinh doanh vàng, nên bản chất vấn đề không thay đổi. "Quy định chuyển đổi vàng sang tiền đồng là việc bán khống tài sản không thuộc về mình. Còn cho phép ngân hàng đầu tư vàng giống như hình thức dùng vốn huy động để mua vàng thật với quá nhiều rủi ro phía trước", ông Thơ phân tích.
vang-mieng-1367040462-500x0-JP-5880-8502
Rủi ro vẫn tiềm ẩn trên thị trường vàng. Ảnh: Anh Quân.
Cũng theo ông Thơ, hình thức chuyển đổi vàng thành tiền có rủi ro khi giá vàng tăng, còn hình thức nắm giữ lại gặp rủi ro khi giá vàng giảm. Cả hai hình thức này đều làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng thương mại trước những biến động của giá thế giới.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước có quy định trạng thái nắm giữ vàng dưới 2% vốn tự có. Tuy nhiên, quy định này không thể giám sát được hoạt động nắm giữ vàng vì các ngân hàng vẫn có nghiệp vụ giữ hộ vàng và các nhà băng kinh doanh vàng đều có mối quan hệ “thân hữu” với các công ty kinh doanh vàng và ngược lại. Ngân hàng khi nắm giữ vượt trạng thái có thể lách quy định bằng cách bán cho các công ty kinh doanh vàng “thân hữu” rồi sau đó nhận giữ hộ số vàng này và mua lại bất kỳ lúc nào khi cần thiết.
"Chỉ có thể kiên quyết thực hiện việc loại hoàn toàn vàng ra khỏi các nhà băng thì mới tránh được những bất ổn tiềm ẩn cho hệ thống", ông Thơ chia sẻ.
Để giải quyết bài toán trên, Tiến sĩ Thơ khuyến nghị không cho phép các nhà băng kinh doanh vàng miếng, không thực hiện nghiệp vụ giữ hộ vàng mà chỉ thực hiện nghiệp vụ nhận giữ hộ tài sản như luật các tổ chức tín dụng quy định. Cuối cùng là cần kiên quyết không cấp tín dụng được đảm bảo bằng vàng dưới bất kỳ hình thức nào.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học kinh tế TP HCM cũng đặt giả thiết một lúc nào đó giá vàng thế giới tăng trở lại, lúc đó không chỉ người dân mà những nhà quản trị cấp cao, cấp trung và mọi cấp trong hệ thống ngân hàng đều đầu tư vàng. 
Bởi họ sẽ dễ dàng chuyển lượng vàng nắm giữ của các nhà băng sang cá nhân. Và các cá nhân này sẽ ký gửi lượng vàng mua được cho chính ngân hàng đó bằng nghiệp vụ giữ hộ. Rồi cá nhân lại có thể vay vốn bằng việc thế chấp tài sản vàng giữ hộ để tiếp tục đầu tư vàng.
Đó là hiệu ứng vòng một về phía các cá nhân và các ông chủ của hệ thống ngân hàng. Tiếp tục là hiệu ứng vòng 2 về phía các ngân hàng thương mại. Những đơn vị này sẽ bán đi lượng vàng giữ hộ, rồi lại tiếp tục mua vàng vào sau đó thông qua đấu thầu.
Các hiệu ứng vòng 1,2,3 rồi lại đến vòng cứ tiếp diễn. Đến một lúc nào đó, lực cầu vàng trong nước sẽ bùng nổ và tác động ngược trở lại giá vàng trong nước lẫn tỷ giá. Một mặt giá vàng tăng từ diễn biến giá vàng thế giới, mặt khác giá vàng tăng từ lực cầu đầu cơ dưới việc nắm giữ vàng của hệ thống ngân hàng thương mại.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ phải liên tục xuất ngoại tệ để nhập khẩu vàng nhằm bình ổn thị trường. Điều này cho chúng ta hình dung một kịch bản của quá khứ lại xuất hiện", ông Bảo lo ngại.
Ngoài ra, trong bảng báo cáo, Tiến sĩ Lê Đạt Chí cũng đề xuất thành lập một định chế chuyên biệt điều hành thị trường vàng được quản lý trực tiếp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Chí, hiện nay dưới những tác động của chính sách, vàng đã dần trở nên kém hấp dẫn trong mắt người dân. Tuy nhiên, Việt Nam không thể không thừa nhận tính hấp dẫn của vàng dưới góc độ của một kênh đầu tư khi giá thế giới biến động mạnh. Do đó, cần tạo ra một kênh đầu tư vàng hiệu quả, làm theo đúng thông lệ thế giới. Và định chế tài chính chuyên biệt SPV này sẽ có chức năng quản lý một phần tài sản quốc gia dưới hình thức dự trữ ngoại hối bằng vàng. Vai trò của SPV là thực hiện trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu vàng, không chỉ vàng miếng như hiện nay mà ngay cả vàng nữ trang.
Các nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản giao dịch vàng miếng tại SPV thông qua các thành viên thị trường là các ngân hàng thương mại và công ty kinh doanh vàng (ngân hàng thương mại sẽ không được phép đầu tư mà chỉ thực hiện chức năng môi giới trung gian cho nhà đầu tư).
Việc kinh doanh vàng miếng sẽ được tập trung tại trung tâm giao dịch vàng vật chất của SPV. Thông qua việc tập trung giao dịch vàng miếng trong nền kinh tế, SPV sẽ đo lường được nhu cầu vàng cũng như xác định được lượng vàng miếng hiện đang nắm giữ trong dân. Đây là một thông số cực kỳ quan trọng trong quản lý vĩ mô và đặc biệt là quản lý thị trường vàng.
Các công ty kinh doanh vàng sau khi chấm dứt việc phân phối vàng miếng chỉ còn thực hiện kinh doanh vàng nữ trang theo tiêu chuẩn đăng ký với SPV.
Về lâu dài, Việt Nam có thể phát triển SPV dưới dạng một quỹ đầu tư tín thác vàng theo mô hình của các quỹ ETF (Exchange Trade Fund) khá nổi tiếng trên thế giới như SPDR và khi đó các nhà đầu tư có thể đầu tư vào vàng thông qua việc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ này.
"Cách thức này được xem như là hình thức huy động vàng trong dân mà không cần phải trả chi phí cho việc huy động vàng. Người dân khi có nhu cầu có thể rút vàng miếng về cất trữ, họ có thể bán được vàng miếng phi SJC đã được mua trước đó và điều quan trọng là không có tình trạng chênh lệch giá mua bán vàng cho những lần phát sinh nhu cầu", ông Chí phân tích.
Công cuộc loại vàng ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại diễn ra khi cơ quan quản lý nhận thấy những bất ổn từ thị trường ngoại hối và nhu cầu đầu tư vàng quá cao trong nền kinh tế. Đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài trước ngày 31/03/2010. Quyết định này buộc các ngân hàng tất toán trạng thái vàng, bao gồm trạng thái vàng cho phòng ngừa rủi ro giá vàng từ chuyển đổi vàng huy động lẫn trạng thái cho các nhu cầu vàng trên tài khoản sàn vàng trong nước. Và đây là tiền đề cho hàng loạt các quyết định tiếp theo, yêu cầu các ngân hàng chấm dứt toàn bộ hoạt động huy động và cho vay vàng.
Đã có tổng cộng 4 lần gia hạn thời gian tất toán trạng thái vàng của các nhà băng, lần cuối cùng là nới đến 30/6/2013. Tuy nhiên, các điều kiện kèm theo để từng ngân hàng được gia hạn rất ngặt nghèo và nếu có huy động thêm cũng phải đảm bảo tất cả các hợp đồng đều phải tất toán trước thời điểm này (hiện dư nợ huy động đã chấm dứt hoàn toàn nhưng dư nợ cho vay vẫn còn trên dưới 9 tấn vàng).
Nguyên nhân của những lần gia hạn chính là lượng vàng cần cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng thương mại khá lớn, nếu phải tập trung trong thời gian ngắn sẽ làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng gia tăng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải tổ chức đấu thầu bán vàng ra can thiệp thị trường, phần nào hỗ trợ cho tiến trình chấm dứt nợ vàng của các nhà băng. Đã có tổng cộng gần 70 tấn vàng được bán ra trong các phiên đấu thầu và có hơn 30 tấn phục vụ cho việc tất toán dư nợ vàng của ngân hàng.
Sau hàng loạt chính sách quản lý, đặc biệt là việc chấm dứt huy động và cho vay vàng được xem là bước tiến lớn của cơ quan quản lý khi chính thứckết thúc cuộc chơi vàng của các đại gia, góp phần làm cho thị trường ổn định.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép các nhà băng triển khai hoạt động giữ hộ vàng song song với hoạt động kinh doanh vàng miếng. Trong quy định giữ hộ, Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu phải ghi rõ số seri miếng vàng và các nhà băng không được sử dụng vàng miếng nhận bảo quản của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả chuyển đổi thành tiền, bán, cho vay, chuyển đổi, cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay
.

Nhật phát hiện đường dây ngầm chuyển tiền về Việt Nam

Cảnh sát Nhật cho rằng một đường dây chuyển tiền ngầm từ nước này về Việt Nam có thể đã tồn tại suốt 3 năm qua, với quy mô hơn 100 tỷ đồng.
Ngày 22/4, cảnh sát Nhật ra thông báo cho biết vừa bắt giữ một thanh niên Việt Nam, có tên là Tran Xuan Chinh (27 tuổi) vì tội chuyển tiền lậu. Theo thông tin trên tờ Asahi Shimbun, việc khởi tố Chinh đã được tiến hành hôm 18/4. Cơ quan an ninh nước này cũng đang điều tra thêm một số người khác trong đường dây chuyển lậu với quy mô lớn từ Nhật về Việt Nam.
yen-nhat-4499-1398227090.jpg
Sau khi bắt giữ thanh niên Việt Nam, cảnh sát Nhật đang mở rộng điều tra đường dây chuyển tiền lậu từ Nhật về Việt Nam với quy mô lớn. Ảnh minh họa: topnews.in
Theo cáo buộc của cảnh sát, từ tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái, Tran Xuan Chinh đã 5 lần chuyển tiền về Việt Nam theo yêu cầu của 4 người Việt Nam khác ở Fukuoka, tổng cộng chuyển khoảng 1,06 triệu yen (205 triệu đồng), nhật báo Sankei viết.
Điều tra mở rộng của cảnh sát cho thấy có thể tồn tại một đường dây chuyển tiền bất hợp pháp về Việt Nam liên quan đến nhiều người. Từ tháng 6/2011 đến tháng 2/2014, đường dây trên có thể đã chuyển cho khoảng 600 khách hàng Việt Nam ở 38 tỉnh thành khác nhau, với số tiền tổng cộng khoảng 500 triệu yen, tương đương hơn 102 tỷ đồng
.

Tay trắng lập công ty triệu USD

Công ty của Will Geist đã phá sản sau khủng hoảng tài chính, nhưng kinh nghiệm từ công việc đầu tiên đã giúp anh nảy ra ý tưởng làm thay đổi cả ngành thực phẩm.
will-geist-jpeg-7072-1398250786.jpg
Trong căn nhà sắp bị thu hồi chỉ có một chiếc nệm để ngủ và nước lạnh để tắm, Will Geist tự nhủ mình phải thay đổi bản thân. Công ty đầu tiên của anh - Madison Diversified đã sụp đổ trong khủng hoảng tài chính. Nhưng doanh nhân 32 tuổi không có ý định từ bỏ. Nhớ lại những kinh nghiệm đầu tiên khi làm việc tại McDonald’s, Geist đã vạch ra kế hoạch thay đổi cả ngành công nghiệp thực phẩm.
Với một nhóm kỹ sư và sự am hiểu về cách các cửa hàng bảo quản thực phẩm, Geist cùng các đồng nghiệp đã tạo ra một thiết bị không dùng điện, có thể cắt giảm 30% chi phí điện năng cho các nhà hàng.
Will Geist đã tạo ra sản phẩm mới từ kinh nghiệm làm việc trước đây. Ảnh: Business Journal
"Nguyên lý rất đơn giản. Nhiệt độ thực phẩm không thay đổi như nhiệt độ không khí. Đây là nguyên nhân gây ra sự kém hiệu suất của các máy làm lạnh. Mỗi lần cửa mở, không khí nóng tràn vào, bộ cảm ứng nhiệt hoạt động và thế là máy làm lạnh lại bắt đầu giảm nhiệt độ", Geist cho biết trênBusiness Journal.
Thiết bị của anh - EnerG2 là một chiếc hộp nhỏ có kích cỡ bằng điện thoại di động, chứa một loại gel đặc mô phỏng sự biến đổi nhiệt độ thực phẩm. Chiếc hộp này được đặt lên trên bộ cảm biến nhiệt trong máy làm lạnh. "Thiết bị đã phản ứng theo đúng cách nên làm. Mục đích của chúng tôi chỉ là giảm bớt chi phí điện năng không cần thiết", anh nói.
EnerG2-2615-1398250786.jpg
EnerG2 được quảng cáo giúp tiết kiệm 30% điện năng cho các máy làm lạnh. Ảnh:BJ
Nhóm của anh đã mất một năm để thiết kế EnerG2. Sau đó, Geist thành lập Madison Energy Group và huy động được 50.000 USD tiền đầu tư từ Tryon Capital Investments. Mỗi chiếc EnerG2 hiện được bán với giá 599 USD.
Khách hàng lớn đầu tiên của anh là các cửa hàng nhượng quyền của McDonald’s tại Nam Carolina (Mỹ). Geist cho biết anh rất may mắn khi hợp tác cùng một cựu quản lý ở đây. Người này đã giới thiệu anh với các lãnh đạo cấp cao tại McDonald’s.
Sau đó, sản phẩm của Geist dần có mặt tại các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng tại vùng Caribbean, Mexico và Canada. Họ cũng đang có chương trình thử nghiệm tại Kroger và hè năm nay, Geist kỳ vọng sẽ mở rộng sang Đức, Trung Đông, Panama và Columbia.
Từ một người tay trắng vì kinh doanh thất bại, năm ngoái, Geist đã sở hữu một công ty doanh thu 12 triệu USD. Madison Energy Group hiện có 3 nhân viên chính thức và 124 nhân viên kinh doanh hợp đồng
.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Chàng trai 9X làm giàu từ chim trĩ đỏ

Mỗi tháng, Thắng có thể thu lãi hàng chục triệu đồng từ khu trại rộng hơn 2.000m2 nuôi chim trĩ đỏ. 
Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1990 ở Lý Nhân, Hà Nam. Tốt nghiệp cấp 3 năm 2009, anh đến giúp việc cho trại nuôi chim của người chú. Một năm sau, anh về nhà cùng gia đình xây dựng trại nuôi chim trĩ đỏ với diện tích khoảng 30m2, vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng.
"Trang trại của chú mình nuôi rất nhiều loại chim, cả bán thịt và làm cảnh. Tuy nhiên, mình thấy loại chim trĩ đỏ giá vừa phải, chuyên bán lấy thịt sẽ dễ tìm đầu ra hơn nên chọn nuôi", anh kể lý do khởi nghiệp. 
Ban đầu, anh nuôi chim nhân giống, rồi mới phát triển dần lên nuôi thịt, cung cấp giống và chim non. Hiện anh có trại nuôi rộng khoảng 2.000m2, lúc cao điểm nuôi trên 1.000 con.
chim-tri-do-500-5975-1398074802.jpg
Trang trại của anh Thắng hiện rộng khoảng 2.000m2 với 1.000 con chim trĩ đỏ. 
Trước năm 2013, chim trĩ nằm trong sách đỏ nên người chăn nuôi phải làm một số thủ tục, giấy tờ. Mỗi lần xuất bán và vận chuyển Thắng đều phải lên chính quyền xã và kiểm lâm tỉnh xin xác nhận. Từ 2013, chim trĩ đỏ được xếp vào diện động vật được phép chăn nuôi buôn bán bình thường nên việc chăn nuôi cũng như kinh doanh đơn giản hơn. 
Thắng cho biết, loài này nếu nuôi thương phẩm thì khoảng 5 tháng có thể xuất bán. Mỗi con trống đến khi bán nặng khoảng 1,4 đến 1,7kg, con mái khoảng một đến 1,2kg. Mỗi tháng, trung bình Thắng xuất bán khoảng 70 đến 100 con chim thịt. Anh cho biết, mỗi con chim thịt nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng, người nuôi mất chi phí khoảng 110.000 đồng. Với giá bán mặt hàng này khoảng 200.000 đến 220.000 đồng một kg, mỗi tháng riêng loại để thịt, anh Thắng có thể thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, ở miền Bắc, mùa sinh sản của chim chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm nên theo anh, loại chim thịt chỉ đủ để bán từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Những tháng còn lại, Thắng chủ yếu bán chim giống (khoảng một tuần tuổi) và chim hậu bị (chuyên để sinh sản). Mỗi năm anh xuất bán khoảng 400 con chim hậu bị với giá 350.000 đồng một con và khoảng 1.000 con chim non với giá 50.000 đồng . Với chim hậu bị phải trên 7 tháng mới có thể xuất chuồng với cân nặng nhỉnh hơn một chút so với loại thịt, trang trại của anh có thể thu lãi 200.000 đồng mỗi con. Còn chim non mới nuôi khoảng một tuần tuổi nên theo anh Thắng chi phí tốn kém không đáng kể.
Hiện tại Thắng cung cấp thịt chim cho các nhà hàng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... Còn chim giống và hậu bị, khách chủ yếu là các trại nuôi ở nhiều tỉnh lân cận. 
Thực phẩm chính của loài chim trĩ đỏ là ngô, rau xanh và một phần cám công nghiệp. "Mặt hàng này hiện nay đầu ra khá ổn định, nhiều thời điểm khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên,  người nuôi vẫn cần chú ý điểm quan trọng là vắc xin phòng bệnh lúc chim non, khoảng 20 ngày tuổi đầu tiên", anh lưu ý.
Theo anh, đầu tư cơ sở ban đầu cũng không quá lớn, quan trọng là có diện tích làm chuồng. “Mình đầu tư mỗi chuồng 100m2 thì xây dựng hết khoảng 30 triệu đồng. Ban đầu làm chuồng nhỏ, sau đó mới mở rộng quy mô dần”, Thắng nói.
Ông chủ trẻ cho rằng nuôi chim thương phẩm, bán thịt thì nhanh thu hồi vốn hơn, còn phát triển nuôi giống thì hơi khó, đầu tư lâu dài và phải có kỹ thuật chăm sóc tốt.
Anh Thắng cũng chia sẻ, mặt hàng này trước mắt tuy có lãi nhưng người nuôi cũng không nên phát triển đàn một cách ồ ạt mà phải làm dần dần. "Hơn nữa, người nuôi cũng phải nghiên cứu để nắm bắt tình hình thực tế từng thời điểm mà phát triển số lượng đàn cho phù hợp. Tránh tình trạng nguồn cung quá lớn, giá giảm thì khó tránh khỏi thiệt hại", anh cho hay.