Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Doanh nghiệp thép, thuỷ sản đi làm lúa gạo

Biên độ lợi nhuận của ngành chính giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về nông nghiệp đang chuyển sang làm lúa gạo.
Tập đoàn công nghiệp Tân Tạo từng gây bất ngờ khi công bố thành lập Công ty cổ phần nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm (ITA Rice). Người chủ trì cho dự án là GS Võ Tòng Xuân - đang làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo. GS Xuân đã trực tiếp theo dõi và chỉ đạo trồng và sản xuất lúa trên diện tích 60,3ha ở tỉnh Long An, gồm: Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Bến Lức.
“Nhóm nông dân tham gia chương trình của chúng tôi đạt năng suất khá tốt, trung bình 7-8 tấn lúa mỗi ha. Trong khi theo tính toán, chỉ cần năng suất 5,5-6 tấn mỗi ha là đã có lời”, GS Xuân nói.
Còn ông Dương Văn Châu, Phó giám đốc ITA Rice cho biết với năng suất 9 tấn một hecta, nông dân có lãi khoảng 27 triệu đồng. Công ty dự kiến những năm tới sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 5.000 hecta.
Theo GS Xuân, mục tiêu của ITA Rice là xuất khẩu, nhưng hiện mới làm trong nước. Vì muốn làm xuất khẩu, phải có diện tích trên 10.000 ha.
canh-dong-mau-lon-large-4577-1399021618.
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào lúa gạo.
Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng tham gia làm gạo cách đây hai năm. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, từ năm 2012, biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn là 5,8% và tỷ lệ này giảm xuống còn 3% vào năm ngoái. Do vậy, công ty bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận từ những ngành khác, trong đó có việc đầu tư vào lúa gạo.
Hiện nay, Vĩnh Hoàn tập trung đầu tư gạo thơm và gạo đồ, hai loại gạo đang có tiềm năng lớn và giá cao. Gạo thơm đang được thị trường Trung Quốc, Hong Kong ưa chuộng. Gạo đồ được tiêu thụ mạnh ở các nước Hồi giáo và Trung Đông.
“Năm 2013, gạo mang về cho Vĩnh Hoàn khoảng 1,3 tỷ đồng doanh thu. Nhà máy gạo đầu tư ngay trong giai đoạn rất khó khăn, nên công ty cần 2-3 năm ổn định quy mô và thị trường. Lúc đó, chúng tôi sẽ bắt đầu có lợi nhuận”, bà Khanh cho biết. Đặc biệt, gạo thơm và gạo đồ xuất đi Trung Đông được khách hàng yêu cầu đóng nhãn thương hiệu Vĩnh Hoàn, để phân biệt với dòng gạo khác.
Bà Khanh cũng vừa có chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc trở về và cho biết đã ký hợp đồng với một chuỗi nhà hàng lẩu tại Trung Quốc. Trung bình nhà hàng tiêu thụ 5 container gạo mỗi tháng. Giá bán cho Trung Quốc cũng cao hơn thị trường khác 20-30 USD một tấn. Bà Khanh cho biết đang xác lập mối quan hệ để mua lại quota xuất khẩu sang thị trường này.
Bà chủ Vĩnh Hoàn cũng chia sẻ, dự tính đến năm 2015, công ty sẽ tiếp tục triển khai 24ha đất để làm khu liên hợp về gạo, bao gồm các cơ sở từ nghiên cứu giống lúa, nhà máy sấy, xay xát, chế biến và công ty xuất khẩu gạo.
Tay ngang chuyển qua làm lúa gạo, nhưng Công ty Thép Cẩm Nguyên ấp ủ quy mô lớn, đặc biệt là thế mạnh chế biến. Ông chủ Huỳnh Cẩm, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành thép lý giải quyết định đầu tư làm nông nghiệp: “Thời gian làm sắt thép, tôi đi rất nhiều nước và trong lúc ăn cơm với bạn bè, khách hàng, nhiều người hay bình luận gạo này ngon, gạo kia không ngon, rồi bảo tôi là nghe nói ở Việt Nam gạo ngon lắm sao ông không làm? Nghe rất nhiều lần và qua nhiều năm, tôi đã quyết định làm”.
Ông Cẩm cũng phải thừa nhận những năm gần đây, do ảnh hưởng khó khăn chung của ngành nên kinh doanh sắt thép giảm lợi nhuận, đã phần nào tác động đến chiến lược của công ty. Theo Nghị định 109 của Chính phủ,  các doanh nghiệp muốn xuất khẩu lúa gạo phải có nhà máy nằm trong và gắn với vùng nguyên liệu, có công suất xay xát 10 tấn một giờ (240 tấn một ngày), kho chứa 5.000 tấn. Vì vậy, Cẩm Nguyên quyết định đầu tư lớn.
“Vùng Đồng Tháp Mười là vựa lúa của quốc gia, khu vực tôi chọn xây dựng nhà máy thuộc xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp không những nơi đây có sản lượng lúa lớn nhất tỉnh, mà vòng vòng các xã huyện lân cận, các tỉnh kế bên cũng là những vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long, kể cả lúa của Campuchia cũng đi ngang qua nhà máy của tôi, người ta gọi đây là rốn lúa của Việt Nam”, ông Cẩm lý giải quyết định chọn Đồng Tháp làm nơi đặt nhà máy.
Theo ông Cẩm, lò sấy lúa, máy xay xát, Cẩm Nguyên đều nhập thiết bị tiên tiến, một ngày công suất 580 tấn và kho chứa trên 100.000 tấn. Với quy mô này, ông Cẩm sẵn sàng “chơi đẹp” với nông dân.
“Bà con nông dân sau khi thu hoạch lúa tươi chở đến Cẩm Nguyên để sấy lúa và gửi kho, trong thời gian gửi kho, bà con được tạm ứng một số tiền theo giá trị lúa gửi để trang trải chi phí. Sau một thời gian gửi, giá lúa lên bà con có quyền quyết định bán lúa cho Cẩm Nguyên hoặc lấy về”, ông Cẩm nói.
Đến nay, Cẩm Nguyên đã có khá nhiều đơn đặt hàng và thị trường chính vẫn là các nước châu Á.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng việc một số doanh nghiệp trước đây đầu tư vào bất động sản, vào thép, nay đang chuyển sang sản xuất nông nghiệp, kể cả lúa gạo là xu hướng tốt.
Theo TS Sơn, cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 1-2% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, nếu tỷ lệ đấy tăng gấp 10 lần, tình hình nông nghiệp Việt Nam sẽ khác hẳn.
“Hiện tại, từ đồng bằng sông Cửu Long, toàn bộ lúa gạo và nông sản phải chuyển lên TP HCM để xuất khẩu, Cảng Cần Thơ chưa thể xuất khẩu trực tiếp trên quy mô lớn mà phải chuyển từ Tây Nam bộ lên TP HCM trong bối cảnh không có đường sắt, hệ thống đường bộ chật chội, chỉ có một đoạn đường cao tốc ngắn ở Tiền Giang… Tình trạng giao thông của vùng trọng điểm nông nghiệp Tây Nguyên còn khó khăn hơn”, ông Sơn phân tích.

Doanh nghiệp FDI đang được chú trọng hơn

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay thời gian qua, khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hưởng nhiều ưu đãi, do nguồn lực trong nước còn hạn chế.
Phát biểu trên được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối nay (4/5). Tuy nhiên, ông khẳng định "không thể nói doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi nhiều còn trong nước thì không, bởi mỗi bên đều có khó khăn và thuận lợi riêng".
FDI-6332-1399215524.jpg
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng thời gian qua Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn tới doanh nghiệp FDI vì họ có vai trò riêng trong khi trong nước đang thiếu nguồn lực về vốn, kinh nghiệm, khoa học công nghệ... Ảnh: Anh Quân
Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ có nhiều chính sách quan tâm đến doanh nghiệp trong nước, bởi dù có thu hút vốn ngoại tốt bao nhiêu mà trong nước không phát triển được thì kinh tế chưa thể đi lên và vẫn bị lệ thuộc. Cụ thể, với khối doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ sẽ tập trung tái cấu trúc theo hướng thu hẹp hoạt động, cổ phần hóa mạnh mẽ, trong đó điều "cốt tử" là nâng cao năng lực hoạt động của những ông lớn đang nắm nhiều nguồn lực quốc gia.
Khối doanh nghiệp tư nhân, vốn là lực lượng đông đảo nhất cũng sẽ được quan tâm đầy đủ và đối xử công bằng hơn. "Chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến các doanh nghiệp nay. Thời gian tới Chính phủ sẽ sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng ngành nghề nào Nhà nước không cấm thì người dân và doanh nghiệp đều được tham gia", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Dù việc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đã được nhắc đến nhiều, nhưng ở lần này, vị tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh "sẽ biến điều này thành hiện thực". Ông cho biết Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, với tư tưởng xuyên suốt là "sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực, đảm bảo cho các thành phần kinh tế được tiếp cận nguồn lực ngang nhau, bởi hiện nay phân bổ nguồn lực chưa bình đẳng".
Liên quan đến thu hút vốn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm chỉ bằng nửa cùng kỳ năm ngoái (4,8 tỷ USD), Bộ trưởng đánh giá "so sánh đầu tư nước ngoài theo quý không phản ánh được bản chất vấn đề". Theo ông, quý I/2013 thu hút vốn FDI tăng đột biến là do Việt Nam có những dự án lớn như nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên trị giá 2 tỷ USD, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) tăng vốn thêm 2,8 tỷ USD..., trong khi quý I năm nay lại vắng các dự án "khủng" như trên.
Song, ông nhấn mạnh thu hút vốn FDI trong năm 2014 sẽ không giảm do thiếu vắng các dự án lớn. "Chúng tôi dự báo tổng vốn FDI năm nay sẽ không giảm. Một số dự án lớn đang đàm phán để ký kết trong năm nay", vị này nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hệ thống pháp luật để mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) - một vấn đề nóng hổi khi cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh. "Luật Đầu tư sửa đổi dự kiến có mục riêng về mua bán sáp nhập doanh nghiệp", Bộ trưởng Vinh thông tin
.

Kiếm tiền tỷ trên đất sỏi

Sau hơn 20 năm gắn bó với nông nghiệp, mỗi năm trang trại của ông Mai Văn Rõ thu về khoảng 2,2 tỷ đồng.
Khi ông Mai Văn Rõ rời vùng quê biển Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn lên huyện miền núi Hoài Ân (Bình Định), một vùng đất hoang hóa, “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, người dân địa phương không ai dám nói ra, trong bụng cứ nghĩ ông "hâm", ai đời đem tiền ném vào mông lung.
Không ai có thể ngờ, chỉ với 2 bàn tay trắng và lòng quyết tâm, ông Mai Văn Rõ, sinh năm 1962, đã bắt vùng đất cằn khô tại thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, Hoài Ân từng bị bỏ mặc giờ đang “đẻ” ra vàng. 
“Gia đình tôi cũng có tàu cá đánh bắt khơi xa, thế nhưng ngay từ nhỏ tôi đã không gắn bó với biển, mà lại mê làm nông nghiệp. Do đó, tôi để cho thằng em nối nghiệp ông cha theo nghề biển, còn tôi tìm đường làm ăn với các loại cây trồng”, ông Mai Văn Rõ tâm sự.
ong-ROI-2316-1399090000.jpg
Ông Mai Văn Rõ bên đàn gà gần 3.000 con
Chuyện ông bỏ ngư theo nông khiến người dân làng chài cứ trố mắt ngạc nhiên, bởi họ nghĩ người của biển không biết gì chuyện làm ăn trên bờ, thất bại là cái chắc. Nhất là khi ông Rõ lên thôn Định Bình thuộc xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn (vào năm 1993) khai hoang 1 hecta đất trồng mía, nhưng không thành công càng khiến những người dân làng chài Hoài Hương tin rằng mình nghĩ đúng.
Ông Rõ kể: “Khi tôi lên Định Bình chỉ có 2 bộ đồ và 2 bàn tay trắng. Tôi cùng 1 người bạn ra sức khai hoang được 1 hecta đất, khi ấy cây mía đang được ăn mạnh nên tôi chọn cây này để khởi nghiệp. Vùng đất ấy rất hoang sơ, nằm ở vùng sâu của thôn Định Bình.
Mía trồng lên tốt ngất, nhưng do khi ấy đường sá chưa thông nên vận chuyển mía đi bán ở nhà máy đường Phổ Phong, Quảng Ngãi khó lắm, tiền vận chuyển ăn hết, không còn lời lãi gì mấy. Nhắm thấy nếu trụ lại vùng đất này thì sẽ không có cơ hội phát triển lâu dài nên tôi đến tìm vùng đất khác”.
Làm xong vụ mía, ông Rõ tích góp được ít vốn và sắm được chiếc xe đạp. Ông cọc cạch đạp xe lên huyện trung du Hoài Ân, nơi đất đai bát ngát thăm dò. Ông Rõ “tia” vào 4 hecta đất đầm lầy ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, nằm dưới chân đèo Gò Loi.
Từ lâu, người dân địa phương chẳng thèm ngó ngàng tới vùng đất khó này, ông Rõ liên hệ với chính quyền địa phương để thuê đất, sau đó ông trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Nhận thấy đất này có tiềm năng phát triển kinh tế, sau khi hết hạn hợp đồng 4 hecta, ông Rõ mua lại đất của người dân địa phương để tiếp tục công cuộc làm ăn.
Với số vốn 5-6 triệu đồng ban đầu mua được ít đất, ông trồng rừng, chăn nuôi, tích góp dần dần, có dư tiền ông lại mua thêm đất. Cứ thế đến nay ông Rõ đã có trong tay đến 10 hecta đất. Trong đó ông trồng khoảng 6ha rừng sản xuất, 400 gốc hồ tiêu và 2 hecta chè Gò Loi, ngoài ra còn nhiều diện tích làm chuồng tại chăn nuôi heo, gà.
“Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên làm đâu trật đó. Nhưng đất đã mua, kiểu như đã “lỡ leo lưng cọp” nên tui không thể không làm. Vừa làm, tôi vừa đi khắp nơi để học tập từ những mô hình khác. Trồng rừng thì phải 6 - 7 năm sau mới có thu hoạch, muốn tồn tại phải “lấy ngắn nuôi dài”, vậy là tôi chăn nuôi kết hợp”, ông Rõ bộc bạch.
Lên “non” lập nghiệp được 3 năm, ông quay về quê cưới người vợ (bà Huỳnh Thị Học) cũng ở một vùng quê ven biển thuộc xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn. Khi có người bạn đời bên cạnh, ông Rõ như được chắp thêm cánh trong chuyện làm ăn. Không có tiền đầu tư 1 lần cho chăn nuôi, ban đầu ông Rõ động viên vợ nuôi vài ba con heo nái, đẻ ra bao nhiêu để lại nuôi tất. Hết lứa này đến lứa khác, đàn heo của vợ chồng tăng dần lên bốn năm chục con.
Song song, ông phát triển đàn gà, nuôi thêm đàn vịt. Rồi ông Rõ tiếp tục nghe ngóng, biết hồ tiêu đang vào thời thịnh, ông chọn diện tích đất bằng phẳng để phát triển loại cây này. Ông còn dành một số diện tích để trồng cây chè Gò Loi, một loại chè đặc sản của Bình Định với tâm nguyện đưa nó đi xa.
Sau hơn 20 năm “cày bừa”, vùng đất hoang hóa ngày nào giờ đã mượt xanh những cánh rừng keo, bạch đàn; bát ngát vườn hồ tiêu, vườn chè và những trang trại chăn nuôi gồm: 26 con heo nái lai sinh sản; mỗi lứa nuôi 300 con heo thịt hướng nạc; 150 gà mái đẻ cùng 2.700 con gà thả vườn; 400 con vịt… tổng thu nhập từ trang trại trồng trọt chăn nuôi tổng hợp nói trên mỗi năm khoảng 2,2 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, ông Rõ còn lãi gần 1 tỷ.
Theo ông Rõ, nếu ai không có ý chí làm giàu thì khó làm kinh tế trang trại thành công. Ngoài ra, còn phải dám nghĩ, dám làm, kiên trì và sáng tạo. Nhất là muốn nắm chắc thành công còn phải liên tục học hỏi để nắm vững kỹ thuật chăn nuôi đối với từng loại vật nuôi.
“Đối với đàn gà thả vườn, tôi luôn chú trọng đến khâu chọn giống, kỹ thuật úm gà khi còn nhỏ, tiêm vacxin định kỳ. Còn đối với đàn heo, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng kết hợp tiêm vacxin phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả. Đồng thời, tôi luôn nắm bắt thị trường, nhìn nhận và đánh giá thị trường vào từng thời điểm để có được giá bán sản phẩm cao”, ông Rõ chia sẻ.
Ông không chỉ mãn nguyện về thành công đang có, mà vì cái đau đáu trong đầu ông về chuyện tìm mọi cách làm hồi sinh cây chè Gò Loi.
“Làm gì thì làm, nhưng trong đầu tôi không bao giờ nguôi ý nghĩ khôi phục lại diện tích và thương hiệu cây chè Gò Loi từng nổi tiếng trước đây. Đất đai ở Tân Thịnh khá màu mỡ, phù hợp với cây chè. Trước đây, cây chè trồng trên đất Gò Loi này nổi danh nhờ chất lượng thơm ngon. Tiếc là thời gian qua cây chè ở đây không được quan tâm nên dần dà bị phá gần hết”, ông Rõ trút lòng.
Với tâm huyết khôi phục thương hiệu chè Gò Loi, ông Rõ đã rủ một số người dân ở thôn Tân Thịnh liên hệ mua 200.000 cây chè giống ở Thái Nguyên về trồng trên diện tích 10 hecta. Theo kế hoạch, đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích trồng chè lên 30 hecta và sẽ mở cơ sở chế biến chè tại địa phương
.

Khởi công dự án sân golf lớn nhất miền trung

Ngày 4/5, tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), Tập đoàn FLC khởi công dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links, hạng mục đầu tiên trong khu phức hợp 5.500 tỷ đồng.
FLC Samson Golf Links là sân golf 18 lỗ dạng links, xây dựng trên diện tích hơn 90ha, tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án sân golf đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa và là dự án sân golf có chiều dài ven biển lớn nhất Việt Nam hiện nay.
1-7895-1399197886.jpg
FLC Sam Son Golf Links là dự án sân golf có chiều dài ven biển lớn nhất Việt Nam.Ảnh: Lê Hoàng.
Dự kiến sân golf sẽ thi công trong 10 tháng và kịp đi vào hoạt động phục vụ năm du lịch Quốc gia 2015 được tổ chức tại Thanh Hóa.
Dự án FLC Samson Golf Links là điểm nhấn của quần thể sân golf – resort – khách sạn lớn nhất miền trung Việt Nam với diện tích trên 450ha. Ngoài sân golf, tổ hợp dự án còn bao gồm hai hạng mục khác chuẩn bị được đầu tư là Khu quần thể Văn hóa - Du lịch Đảo Cồn Nổi và Khu resort tiêu chuẩn 5 sao.
Khu quần thể Văn hóa - Du lịch đảo Cồn Nổi sẽ được xây dựng ngoài đảo Cồn Nổi, có quy mô trên 300 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng, được thiết kế thành một khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp với nhiều hạng mục như khu giải trí trong nhà, ngoài trời, hệ thống nhà hàng, quán bar, bể bơi 4 mùa, khách sạn, biệt thự, nhà liền kề… FLC sẽ thiết kế hệ thống cáp treo nối liền đảo với đất liền.
Dự án khu resort 5 sao quy mô gần 40ha, bao gồm khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp được thiết kế liền kề với Khu quần thể Văn hóa - Du lịch Đảo Cồn Nổi và FLC Samson Golf Links. Đại diện Tập đoàn FLC cho biết, tổng mức đầu tư toàn bộ khu phức hợp của dự án khoảng 5.500 tỷ đồng.
2-9306-1399197886.jpg
Dự kiến sân golf Sầm Sơn sẽ đi vào hoạt động vào mùa hè năm 2015. Ảnh: Lê Hoàng.
“Chúng tôi cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đúng năm du lịch quốc gia 2015 do Thanh Hóa đăng cai”, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cho biết, cụm dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp Sầm Sơn do FLC đầu tư là dự án hạ tầng du lịch lớn nhất Thanh Hóa từ trước đến nay. Ông Chiến đánh giá cao năng lực của chủ đầu tư – Tập đoàn FLC đồng thời cam kết địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cũng như công tác giải phóng mặt bằng… nhằm đảm bảo tiến độ cho dự án.
Lê Hoàng