Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Cử nhân thất nghiệp vì kén chọn

Qua 6 lần đi xin việc, cô cử nhân báo chí Lan Anh vẫn chưa có chỗ làm ổn định. Cô luôn nghĩ rằng năng lực của mình đáng được nhà tuyển dụng trả lương cao hơn.
Tốt nghiệp bằng giỏi khoa báo chí, trường Đại học KHXH&NV, Đại học quốc gia Hà Nội, chăm chỉ cộng tác cho các báo, đài vào năm cuối khóa, Lan Anh (quê Thái Nguyên) luôn tự tin mình sẽ tìm được một công việc như ý. Quả thật, mỗi lần gửi hồ sơ, cô đều được gọi mời phỏng vấn. 
Lần đầu là một công ty truyền thông. Họ đánh giá cao năng lực của cô và thỏa thuận mức lương 4,5 triệu mỗi tháng. Chưa đầy 2 tháng, Lan Anh đã chán và bỏ việc vì cảm thấy làm ở đây không có tương lai.
Lần thứ hai, xin được việc ở một tờ báo in, cô sung sướng vì nghĩ rằng mình đã được làm đúng công việc yêu thích. “Lương cứng 2,5 triệu đồng làm tôi cụt hứng ngay. Nghề báo vốn rất vất vả mà trả như vậy thì bèo bọt quá”, Lan Anh tâm sự. Mặc dù nhà tuyển dụng có thỏa thuận sẽ nâng mức lương nếu ứng viên phát huy được khả năng trong thực tế công việc nhưng cô không đủ kiên nhẫn đợi chờ.
Cứ như vậy, gần 2 năm nay, đã 6 lần đi phỏng vấn, xin việc thì cả 6 lần đều thất bại. Hiện tại, cô vẫn nay làm chỗ này mai làm chỗ khác và bắt đầu thấyngán ngẩm với công cuộc “chỉ ăn và đi phỏng vấn”. 
Chung tình cảnh ấy, Thu Hà (tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh thương mại, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) nằm nhà chơi dài khi không tìm được công việc ưng ý. Lần đầu cô xin được việc tại một công ty Hàn Quốc với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng. Công việc áp lực, không ngày nghỉ và luôn bị cấp trên nhắc nhở khiến cô chán nản. Một lần bị sếp phê bình đến nửa tiếng, cô quyết định nghỉ việc ngay hôm sau.
Thu Hà tự tin đi xin việc ở chỗ mới. Công ty này có đầy đủ quyền lợi cho người lao động, nhưng vì mức lương thử việc chỉ là 5 triệu nên cô rút lui ngay. “Mình nghĩ là mình xứng đáng được trả cao hơn thế, vì công việc của một người biên, phiên dịch rất đau đầu. Công ty này dường như không biết nhìn người vậy”, cô gái 23 tuổi quả quyết.
Cô chưa có kinh nghiệm đi làm nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn muốn giữ chân Thu Hà bằng việc tăng lương sau 6 tháng làm việc. Nhưng cô không đủ kiên nhẫn để ở lại. Gần một năm ra trường với bằng đỏ, ngành nóng, trường tốt, tân cử nhân này vẫn giờ chưa có việc làm thực sự. Nằm nhà chờ việc khiến cô rơi vào trạng thái khủng hoảng, ý định tự tử vì không có việc làm cứ lởn vởn trong đầu.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu (trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm giới thiệu Việc làm Hà Nội) cho biết nhiều cử nhân đi xin việc chưa hiểu rõ tình hình lao động hiện nay.
“So với 5 năm trước, tình hình kinh tế giờ đây khó khăn hơn do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu nên doanh nghiệp cũng đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn ở trình độ chuyên môn, đặc biệt là những kinh nghiệm và kỹ năng mềm”, bà Liễu nói.
Theo số liệu của Trung tâm việc làm Hà Nội, trung bình mỗi tuần sàn giao dịch việc làm có 500 ứng viên đến ứng tuyển. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn không đáp ứng được nguồn cầu. Nguyên nhân phần lớn nằm ở kỹ năng của ứng viên còn quá kém. “Có nhiều bạn đến đây hàng chục lần vẫn không tìm được công việc ưng ý”, bà Liễu cho biết.
Kỹ năng mềm trở thành một môn học đã được phổ biến trong các trường đại học nhưng không phải ai cũng học được. “Lý do có thể là không thích, coi nhẹ hoặc không đủ tiền để tham gia các môn đào tạo kỹ năng mềm. Do đó, kỹ năng của cử nhân thể hiện rất kém, thậm chí không biết viết một lá đơn xin việc”, bà Liễu khẳng định.
Một sự "lệch pha" phổ biến nữa giữa người đi xin việc và nhà tuyển dụng là mức lương. Tại sàn giao dịch việc làm, rất nhiều nhà tuyển dụng bất bình phản ánh với trung tâm rằng, nhiều bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đã yêu cầu mức lương 10 triệu/tháng. Đại diện trung tâm khẳng định: “Không có chuyện mới ra trường đã đòi lương cao, bất kể bạn học trường nào, ngành gì. Doanh nghiệp luôn phải tính toán chặt chẽ nhất để đảm bảo lợi nhuận và đó cũng là điều kiện tiên quyết cho doanh nghiệp  tồn tại”.
Theo bà Liễu, sinh viên năm cuối cần có định hướng nghề nghiệp trước khi ra trường. Cử nhân cần đi làm để lấy kinh nghiệm trước thì mới nên nghĩ đến chuyện được hưởng chế độ lương cao. Mỗi lao động nên tự tìm hiểu thêm qua mạng, sách báo… về tình hình thị trường ở Việt Nam hiện nay và Bộ luật lao động để biết rõ vị trí cũng như quyền lợi của mình.
“Khoảng 10% cử nhân chỗ chúng tôi nhảy việc từ cuối năm 2013 đến giờ” là nhận xét của bà Mai Thị Nhi (Phó phòng thanh toán cước, Tập đoàn Viễn thông Quân đội). Bà Nhi cho biết, hầu hết là họ thấy cơ chế, chế độ của công ty không đáp ứng được nhu cầu của mình. Nhiều ứng viên đòi hỏi mức lương cao hơn nhưng khi phỏng vấn lại không được đánh giá cao, nhất là khi họ chưa có kinh nghiệm làm việc khoảng 6 tháng trở lên.
Theo bà Nhi, cử nhân mới đi làm cũng rất hay bị động trong công việc, gặp phải việc khó thì kêu khó không làm. “Muốn bám trụ được thì phải kiên nhẫn, cầu tiến, không tự ái và dành mọi tâm huyết, cống hiến”, bà Nhi khuyên.
Thể hiện cái nhìn cảm thông hơn, thạc sĩ Xã hội học Vũ Đặng Cảnh Linh (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) cho rằng, thanh niên ngày nay đi làm không chỉ vì tiền mà còn muốn đi làm ở môi trường đúng với mình, có thể có đồng lương rất ít ỏi nhưng họ vẫn thích. Tuy nhiên, điều đó lại tạo ra mâu thuẫn không đảm bảo cuộc sống. Từ đó dẫn đến hiện tượng thanh niên “bay như chim” từ cơ quan này sang cơ quan khác. Một số chán nản công việc và cũng có không ít bạn ỷ lại, nằm nhà chờ việc dù có mức lương 5 – 7 triệu/ tháng.
“Ước mơ môi trường làm việc tốt, có đủ kinh tế để sống là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, không chỉ riêng cử nhân đại học. Tuy nhiên, đây không phải thời điểm kinh tế phát triển mạnh, chúng ta phải hình dung được các khả năng đáp ứng nhu cầu của mình khi đi xin việc trong khi nhà tuyển dụng luôn khó tính hơn, yêu cầu cao hơn. Đừng nghĩ cầm tấm bằng giỏi trên tay là xin được việc tốt, kiến thức đòi hỏi trong thực tế chứ không phải trên giảng đường”, ông Linh nói.
Từ đó, ông đưa ra lời khuyên, mỗi người nên nhìn nhận lại bản thân như một nguồn lực với tất cả điểm mạnh, điểm yếu, thiếu gì phải trau dồi thêm để bước vào một môi trường làm việc có đủ kiến thức và không ngộ nhận về bản thân mình.
“Không có một con đường nào được trải thảm đỏ sẵn vì bình thường những người trải ra cũng phải cạnh tranh, đấu tranh với nhau để tồn tại. Từ đó, đỏi hỏi mỗi thanh niên phải vô cùng  mạnh mẽ”, nhà xã hội học nhận định.
Trong trường hợp nhiều thanh niên quá thất vọng với việc làm ở các cơ quan, ông Linh khuyên, các bạn trẻ nên tạo các nhóm làm việc từ những người yêu nghề, cùng chí hướng. “Xác lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, bền vững với những kế hoạch nghiêm túc, chín chắn thì chắc chắn sẽ có ngày xã hội sẽ trả công bằng cho những đóng góp và hi sinh ấy”, ông khẳng định.
Nguyễn Hò
a

Thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 8 tỷ USD

Đây là mục tiêu được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặt ra trong đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản Việt Nam.
Đề án nêu trên được giới chuyên gia và các nhà quản lý thảo luận tại các cuộc hội thảo trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam 2014 tại Phú Yên. Cụ thể, đề án đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất và xuất khẩu thủy sản đạt trên 6% một năm. Mức sống của cộng đồng ngư dân ven biển cũng được nâng lên khi đến năm 2020, thu nhập bình quân lao động cao gấp 2,5 lần so với 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu từ cá tra và tôm lên 8 tỷ USD. 
30-3-Anh-2-Tai-co-cau-thuy-san-2717-1396
Ngư dân miền Trung được mùa thủy sản từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh:Trí Tín.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất quan điểm phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ nay đến năm 2020 cần thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm gồm nâng cao giá trị gia tăng chuỗi sản phẩm chủ lực gồm cá ngừ đại dương, tôm nuôi công nghiệp (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và cá tra hiện chiếm 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản, trong đó các sản phẩm cần được ưu tiên đầu tư như rong biển, nhuyễn thể hai vỏ, tôm hùm, tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá nước lạnh.
Theo các chuyên gia, có thực tế là mặt hàng cá tra, cá ngừ đại dương xuất khẩu chưa đẩy mạnh trong khâu chế biến sản phẩm là nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu chưa tận dụng triệt để.
Ông Ngô Đình Tuấn, Chuyên gia tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, Việt Nam đang xuất khẩu nguyên liệu thô. "Nếu chúng ta tái cơ cấu chỉ một loại cá tra, đưa tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm chế biến lên đạt 50% sản phẩm giá trị gia tăng và giảm giá trị phi lê xuống dưới 50% thì việc tái cơ cấu về chế biến này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam". 
Theo ông Tuấn, giải pháp thị trường xuất khẩu phải có tính chất lâu dài và bền vững, mang sức cạnh tranh thị trường, tránh được những rào cản thương mại. 
Còn ông Nguyễn Huy  Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định, tái cơ cấu thủy sản phải áp dụng giải pháp khoa học công nghệ trong khai thác lẫn nuôi trồng để nâng cao giá trị và năng suất sản lượng. "Ví như con cá ngừ đại dương nếu đánh bắt đúng kỹ thuật, bảo quản tốt, chất lượng cao thì có thể xuất khẩu bán được 100 USD nhưng một khi đã để ươn thối và biến chất thì tụt xuống chỉ còn 10 đến 20 USD mỗi kg”.
30-3-Anh-1-Tai-co-cau-thuy-san-5302-1396
Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản Việt Nam chú trọng tăng sản lượng khai thác vùng biển xa bờ, bảo quản, nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu.Ảnh:Trí Tín.
Ông Điền đề xuất, trong đề án tái cơ cấu cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi tới thị trường tiêu thụ. Trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò quan hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Giảm tỷ trọng khai thác ven bờ… từ 1,2 triệu tấn xuống  800.000 tấn, tăng sản lượng khai thác xa bờ từ 1 triệu tấn lên 1,4 triệu tấn vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu, ngành thủy sản Việt Nam đang tính đến những giải pháp về quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế. Tổng cục Thủy sản sẽ kết hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổng điều tra và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến theo hướng tập trung ở các cụm công nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dễ quản lý. Quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản cho phù hợp với từng vùng sản xuất nguyên liệu, từng thị trường và vùng miền đất nước. 
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Bộ xác định hiện đại hóa phương tiện tàu cá là một trong những đột phá tái cơ cấu ngành thủy sản. Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi với hình thức tài sản thế chấp là chính con tàu. Đề án tái cơ cấu không chỉ đặt mục tiêu là giúp ngư dân sản xuất hiệu quả mà còn yên tâm bám biển bảo vệ chủ quyền quốc gia.
"Chính phủ đang xây dựng quỹ bảo hiểm cho bà con ngư dân, thành lập lực lượng kiểm ngư, tăng cường đội ngũ thanh tra chuyên ngành để đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân khi ra khơi. Hiện đại hóa thông tin, tích hợp nhiều tính năng ưu việt nhất làm sao liên lạc cảnh báo kịp thời giúp ngư dân chủ động phòng tránh rủi ro thiên tai lẫn nhân tai trên biển", ông Tám cho hay.
Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Thủy sản Việt Nam 2014 tối 29/3 tại Phú Yên, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho biết đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển Việt Nam cần đặt mục tiêu đóng góp hơn 50% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nướcCòn theo đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, sản lượng thủy sản khai thác năm 2013 đã đạt gần 6 triệu tấn, gấp sáu lần so với năm 1990, xuất khẩu tới hơn 170 thị trường với kim ngạch hơn 6,7 tỷ USD. 
Trí Tí
n

Doanh nhân nữ kiên cường hơn nam giới nhờ chiến tranh

Thành công hiện nay của các nữ doanh nhân Việt Nam một phần do các kỹ năng có được trong thời chiến.
Chia sẻ với Bloomberg, bà Lê Thị Thu Thủy - cựu CEO Vingroup cho biết bà đã đứng trên quan điểm của người mẹ khi xây dựng khu trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam - Vincom Mega Mall Royal City, với công viên nước trong nhà và sân trượt băng. Nữ doanh nhân đã có hai con nhỏ giải thích: “Chẳng có chỗ nào để cả gia đình có thể đi chơi được cả”. Hiện nơi này đã trở thành điểm đến của rất nhiều em bé và các cặp đôi trẻ tuổi, cho thấy kế hoạch của bà rất thành công.
Các lãnh đạo nữ như bà cũng được nhà đầu tư rất khen ngợi, khi Việt Nam đang là thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất châu Á năm nay. Chỉ số gồm các công ty có CEO nữ cũng tăng gấp ba trong 5 năm qua, theo số liệu của hãng nghiên cứu Intelligent Financial Research & Consulting (IFRC).
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, thành công của các lãnh đạo nữ tại Việt Nam một phần do các kỹ năng có được sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Khi phần lớn đàn ông nhập ngũ, phụ nữ phải đảm đương việc kinh doanh, quản lý tài sản gia đình và nuôi dạy con cái. Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch công ty chứng khoán VNDirect cho biết các bài học này đã được duy trì tại Việt Nam, khi những bà mẹ truyền lại kinh nghiệm cho con cháu.
Dù nữ giới chỉ chiếm chưa đến 7% ghế lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam, đây vẫn là tỷ lệ cao nhì Đông Nam Á, sau Philippines. “Không như nhiều nước châu Á khác, phụ nữ Việt Nam rất được tin tưởng trao quyền lực. Đó là một phần văn hóa tại đây. Phụ nữ Việt Nam rất chăm chỉ, thông minh và tận tụy”, ông Peter Ryder – CEO Indochina Capital cho biết. Ông cũng đầu tư vào rất nhiều công ty do nữ giới lãnh đạo, như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).
mai-kieu-lien-3266-1396241531.jpg
Bà Mai Kiều Liên là CEO Vinamilk từ năm 1992. Ảnh: Forbes
Sự hiện diện của lãnh đạo nữ đã cải thiện việc kinh doanh của rất nhiều công ty trên thế giới. Một báo cáo của Viện nghiên cứu Credit Suisse trên 2.360 doanh nghiệp giai đoạn 2005-2011 cho thấy những công ty có một hoặc nhiều lãnh đạo nữ có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn trung bình. Giá trị vốn hóa của các công ty đó cũng lớn hơn. “Đây là kết quả quan trọng cho thấy cần có nhiều nữ giới đảm nhận vị trí lãnh đạo”, Deborah Gillis - CEO viện nghiên cứu cho biết.
Tại Việt Nam, niềm tin kinh doanh cũng đang được cải thiện. Chỉ số Vn-Index đã tăng 21% năm ngoái, trong khi lạm phát tháng 3 rơi xuống thấp nhất kể từ 2009. Xuất khẩu vượt dự đoán của các nhà kinh tế và Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất tái cấp vốn xuống thấp nhất 6 năm. Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực duy trì đà phục hồi kinh tế với dự đoán GDP năm nay tăng 5,8%, nhỉnh hơn 5,42% năm ngoái.
Chỉ số gồm 43 công ty Việt Nam có CEO nữ được theo dõi bởi IFRC cũng tăng 40% năm qua. Tính từ tháng 3/2009, tốc độ này là 193%, vượt mức 107% của Vn-Index. Lợi nhuận 5 năm trung bình tăng 72%. Các công ty này thuộc nhiều lĩnh vực, chủ yếu là công nghiệp và tài chính.
Theo IRFC, phụ nữ chiếm khoảng 6,27% ghế lãnh đạo tại Việt Nam. Tỷ lệ này tại Mỹ là 17% năm 2013, theo Catalyst. CEO nữ tại Việt Nam có xu hướng quyết định dựa trên sự thống nhất của nhiều người, hơn là tự quyết, theo Tổng giám đốc Mekong Capital - Chris Freund.
Bà Vũ Thị Thuận – cựu CEO hãng dược phẩm Traphaco cho biết bà luôn duy trì thói quen ăn trưa với nhân viên suốt 11 năm tại vị. Việc này đã giúp bà giữ được nhân viên kể cả khi họ có cơ hội nhận mức lương cao hơn bên ngoài. Freund cũng nhận xét lãnh đạo nữ tại Việt Nam “rất giỏi duy trì môi trường gắn kết như gia đình trong công ty”.
Dù vậy, không phải toàn bộ doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam được dẫn dắt bởi phụ nữ. Cổ phiếu Tập đoàn viễn thông – phần mềm FPT đã tăng 87% năm qua và 145% trong 5 năm gần đây. Trong khi đó, CEO tập đoàn này đều là nam giới.
“Bình đẳng giới là điều tốt, nhưng tôi không cho rằng nhà đầu tư sẽ quá quan tâm đến việc này. Kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, thích nghi và sự cương quyết mới là những yếu tố căn bản tạo nên một lãnh đạo thành công”, Patrick Mitchell - Trưởng bộ phận khách hàng tổ chức tại công ty chứng khoán VinaSecurities cho biết.
Đưa phụ nữ vào vị trí lãnh đạo sẽ giúp quá trình ra quyết định được xem xét toàn diện hơn, Simon Andrews, giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan tại Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho biết. “Cái này không liên quan nhiều đến những kỹ năng chỉ phụ nữ có, còn đàn ông thì không. Mà là đưa phụ nữ vào sẽ tạo ra sự đa dạng trong đội ngũ lãnh đạo”, ông nói.
Bà Mai Kiều Liên là CEO Vinamilk từ năm 1992. Trong cuộc phỏng vấn vớiBloomberg, bà cho biết lãnh đạo nữ có xu hướng thận trọng hơn nam giới, từ đó quản trị rủi ro tốt hơn. Cổ phiếu Vinamilk đã tăng liên tục 5 năm gần đây. Hiện hãng đã xuất khẩu sản phẩm sang 23 quốc gia và đặt mục tiêu doanh thu hơn 3 tỷ USD năm 2017.
Cổ phiếu Vingroup cũng tăng hơn gấp 8 kể từ năm 2009. Bà Lê Thị Thu Thủy gia nhập công ty năm 2008 và nhậm chức CEO 4 năm sau đó. Tổng giám đốc mới của Vingroup cũng là một phụ nữ - bà Dương Thị Mai Hoa.
Bà Lê Thị Thu Thủy cho biết đã lấy cảm hứng từ các lãnh đạo nữ trong thời kỳ chiến tranh. “Phụ nữ trở nên rất độc lập trong thời chiến. Họ phải làm cùng lúc nhiều việc, từ kiếm tiền, nội trợ cho đến nuôi dạy con cái. Những tấm gương như vậy sẽ cho bạn sức mạnh”, bà Thủy cho biết.
Hà Th
u

Lỗ bạc tỷ vì mở nhà hàng, quán ăn

Một quán ăn nếu chọn vị trí không phù hợp, định vị sai đối tượng khách hàng, khẩu vị xa lạ... sẽ nhanh chóng thất bại, thậm chí lỗ tiền tỷ chỉ trong thời gian ngắn.
Đã 30 tuổi, là trợ lý giám đốc cho một công ty Nhật Bản, có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng Nhật, nên chị Hằng nảy sinh ra ý định mở nhà hàng phục vụ khách quốc tế.
Vốn đầu tư ban đầu là một tỷ đồng, chị Hằng thuê một tòa nhà 3 tầng gần khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) với giá 2.500 USD một tháng, hợp đồng trong 2 năm (đặt cọc 6 tháng). Chi phí thiết kế và sắm sửa nội thất cho nhà hàng khoảng 800 triệu đồng. Theo tính toán của chị, ngoài lượng khách nước ngoài ở khu Phú Mỹ Hưng, nhà hàng sẽ có thêm khách tour bằng cách kết nối với các công ty du lịch. Chị Hằng tính toán, khách đến ăn mỗi ngày sẽ trên 100 người, giá món ăn dao động 100.000-400.000 đồng, nếu khách đến đều đặn chị tính sau 6 tháng có thể lấy lại vốn.
Với lượng khách dự trù như vậy, chị Hằng lên kế hoạch thuê một bếp trưởng, hai phụ bếp và bốn nhân viên phục vụ. Mỗi tháng, tiền chi trả lương nhân viên hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nửa năm kinh doanh mọi thứ không giống như kế hoạch đề ra, lượng khách đến lẻ tẻ, một tháng doanh thu tại nhà hàng của chị chưa đầy 100 triệu đồng, lãi không đủ để trả chi phí.
Mặc dù lỗ nhưng chị vẫn quyết tâm duy trì và xoay hướng kinh doanh bằng cách bán thêm hủ tiếu buổi sáng và cơm văn phòng buổi trưa giá 30.000 đồng. Dù mỗi tháng có thêm 15-20 triệu đồng, nhưng khi cộng lại vẫn không đủ bù chi. Không chịu thua, chị lại quyết định chuyển sang làm thêm dịch vụ tiệc phục vụ cho các công ty và nhóm người, nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn. Hết cách, cuối cùng bà chủ trẻ ngậm ngùi ngừng kinh doanh. Đau đầu hơn, tưởng khi trả lại nhà, chị Hằng sẽ được nhận lại tiền đặt cọc, nhưng lúc này chủ nhà lấy lý do chị hủy hợp đồng thuê nhà trước thời hạn nên không trả lại. Đành chấp nhận thua cuộc sau nhiều lần kiện cáo, tổng kết lại sau gần 2 năm kinh doanh chị lỗ hơn 2 tỷ đồng.
anh-dep-4479-1396001825.jpg
Định vị sai nhu cầu khách hàng mục tiêu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà hàng, quán ăn lỗ nặng. Ảnh: Minh Thư.
Theo chị Hằng, sai lầm lớn nhất khiến chị thất bại là định vị sai nhu cầu của khách hàng mục tiêu, chọn địa điểm xa trung tâm ẩm thực, chưa tạo ra được điểm khác biệt để hút khách nước ngoài.
“Thực khách ít ai chạy từ các quận trung tâm khác để đến Phú Mỹ Hưng ăn uống. Còn khách hàng tại chỗ chỉ thích đến những dãy phố ẩm thực đa dạng hơn là đến những nhà hàng nằm lẻ loi như của tôi”, chị Hằng bộc bạch.
Quy mô kinh doanh nhỏ hơn chị Hằng, nhưng anh Linh, 35 tuổi, quê Hà Nội chọn kinh doanh quán phở Hà Nội trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3) cũng lỗ cả tỷ đồng.
Anh Linh cho hay, vì quán phở ở Hà Nội của anh rất đông khách nên khi có dịp vào TP HCM, anh nảy ra ý định mở một quán phở đặc trưng tại đây với niềm tin lượng khách sẽ không thua kém gì ngoài Bắc. Anh quyết định thuê tầng trệt rộng 60m2 của một căn nhà 5 tầng với giá 1.000 USD một tháng, chi ra 600 triệu đồng để tu sửa. Riêng tiền lương nhân viên, mỗi tháng anh tốn 30 triệu đồng.
Do đặt quán ở khu trung tâm, anh Linh xác định khách hàng có thu nhập khá, do vậy anh bán 60.000 đồng một tô phở. Tuy nhiên, suốt 3 tháng kinh doanh, lượng khách đến quán mỗi ngày không quá 20 người. Để thay đổi tình hình, anh Linh quyết định đóng cửa quán một tuần, bỏ tiền ra thuê thầy phòng thủy về sắp xếp lại hướng bàn ghế, tuyển thêm nhân viên mặc áo dài đứng trước cửa mời chào khách. Kết quả cuối cùng vẫn không có gì thay đổi, suy đi tính lại anh Linh buộc phải đóng hẳn cửa hàng và mất trắng 1,2 tỷ đồng sau 5 tháng kinh doanh.
Theo anh Linh, nguyên nhân khiến anh lỗ là giá bán cao, địa điểm thiếu hợp lý, kể cả phong cách phục vụ xa lạ.
“Nếu người miền Bắc thấy việc bỏ thịt lên cân trước mỗi lần chế biến là chuyện bình thường, thì người miền Nam lại thấy đó là hành động "bủn xỉn". Mặt khác, con đường Trần Quốc Thảo là một chiều nên khách chỉ đi lướt qua mà rất ít ghé, thêm vào đó các hàng quán bên cạnh như hủ tiếu hay cơm văn phòng giá bán lại bình dân chỉ 25.000-30.000 đồng nên rất khó cạnh tranh”, anh Linh giải thích thêm.
Cũng mở quán phở Hà Nội như anh Linh nhưng giá bán của anh Hoàng gần chợ Tân Định (quận 1) rẻ hơn, tuy nhiên lượng khách đến đây cũng không mấy khả quan.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống bán phở lâu đời, anh Hoàng 40 tuổi, quê ở Nam Định quyết định bỏ ngang việc kinh doanh xăng dầu để tiếp tục với nghề truyền thống. Anh vào miền Nam thuê một tòa nhà 3 tầng với giá hơn 1.000 USD để mở quán. Thiết kế thoáng, phong cách lãng mạn nên nhiều khách qua lại cứ ngỡ là quán cà phê chứ không phải quán ăn. Cách chế biến phở lại theo phong cách miền Bắc nên tô phở chỉ có thịt và hành, do đó lượng khách đến quán không đông, chỉ vài chục người một ngày. Gia vị chế biến thì vẫn giữ nguyên đặc trưng khẩu vị miền bắc.
“Tôi có một quán ở Hà Nội cũng chế biến công thức này và bán rất đắt khách, nên tôi nghĩ giữ nguyên hương vị sẽ tạo được ấn tượng nên dù đã lỗ gần một tỷ đồng nhưng tôi vẫn quyết duy trì”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng tin tưởng với cách chế biến đặc trưng riêng, khách sẽ đến với quán của anh đông hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu cách phục vụ cũng như cách chế biến không chiều theo nhu cầu của người miền Nam, thì ý định thoát lỗ của anh cũng khó thành trong thời gian tới.
Hồng Châ
u

Hữu Liên Á Châu lỗ nặng vì lãi suất vay tới 20%

Phó chủ tịch HĐQT Trần Tuấn Nghiệp cho rằng công ty đã huy động vốn thất bại, phải vay ngân hàng với lãi suất tới 20%, nên lâm vào cảnh lỗ nặng sau 35 năm hoạt động.
- Báo cáo thường niên của công ty năm 2013 cho thấy đây là năm đầu tiên công ty lỗ sau 35 năm thành lập, với số lỗ tới 235 tỷ đồng. Ông giải thích thế nào về khoản lỗ trên?
- 2013 là năm nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành thép bị xếp vào danh sách đen với hạng mục hàng tồn kho lớn, trong khi đó Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (Mã CK: HLA) liên tục vấp phải thất bại về huy động vốn nên phải vay ngân hàng với lãi cao, có thời điểm công ty phải chịu lãi suất tới 20%. Chúng tôi vay từ năm 2012 nhưng đến 2013 mới phải trả lãi, nên dù cho lãi suất 2013 được ngân hàng công bố giảm nhưng công ty vẫn phải gánh lãi suất như thỏa thuận trước đó. Do vậy, trong khi chi phí lãi vay  2013 của công ty tới 155,3 tỷ đồng, vốn sản xuất vẫn thiếu khiến năng suất của công ty giảm tới 50%. Thay vì mỗi năm công ty sản xuất cho thị trường 8.000 tấn thép thì 2013 chỉ sản xuất được 4.000 tấn, thị phần thép trên thị trường cũng giảm đi một nửa, còn 10%.
Ngoài ra, cuối năm 2013 là thời điểm sức mua, giá cả có xu hướng tăng nhưng lĩnh vực liên quan mật thiết với chúng tôi như bất động sản, xây dựng, trang trí nội thất, vận tải biển vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Giá nguyên liệu thép cũng biến động phức tạp hơn các năm.
anh-dep-8899-1396319730.jpg
Ông Trần Tuấn Nghiệp, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu. 
- Quý một năm nay công ty tiếp tục lỗ thêm 57 tỷ đồng, tại sao vậy?
- Khoản lỗ này là do giá nguyên liệu tồn kho cao trong khi giá bán ra giảm dẫn đến lợi nhuận gộp giảm. Quý II, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục giải quyết hàng tồn kho để cắt lỗ từ từ, đồng thời thoái vốn khỏi Công ty TNHH một thành viên thép Hữu Liên. Mặt khác, công ty sẽ huy động vốn bằng cách phát hành 300 tỷ đồng cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng, tiếp tục đàm phán với ngân hàng để xin kéo giãn nợ vay (chuyển nợ ngắn hạn sang dài hạn) và giảm lãi suất.
- Hiện giá cổ phiếu của công ty đang dao động quanh 5.000-6.000 đồng, liệu việc huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá có khả thi?
- Chúng tôi biết là khá khó khăn nhưng để bảo vệ lợi nhuận của công ty, chúng tôi vẫn phải phát hành bằng với mệnh giá. Hiện lợi nhuận của công ty giảm một phần là do chi phí lãi vay cao, nếu huy động được nguồn vốn tốt từ nhà đầu tư công ty sẽ tăng năng suất lên gấp đôi và lợi nhuận chắc chắn sẽ phục hồi.
- Trong báo cáo trình đại hội cổ đông hôm 29/3, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay là 0 đồng, tăng 10 tỷ đồng qua các năm tiếp theo và đến 2019 là 50 tỷ đồng. Lý do công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng như vậy là gì?
- Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, nhiều sản phẩm dường như không tìm thấy nhu cầu, có những sản phẩm chúng tôi phải bán tháo để cắt lỗ. Nếu đặt mục tiêu 200-300 tỷ mỗi năm cũng là chuyện đơn giản, nhưng vậy là thiếu minh bạch, không sát thực tế đặc biệt là nhu cầu thị trường. Sắp tới công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Hiện lợi nhuận mang lại cho công ty 50% đến từ thị trường nước ngoài và 50% trong nước.
- Ông đánh giá thế nào về đối thủ cạnh tranh của mình trên thị trường?
Thực sự họ cũng đang rất khó khăn, những công ty nào có bề dày về nguồn vốn còn có khả năng hoạt động tốt, đa số các doanh nghiệp còn lại đều chịu áp lực lãi vay. Mặt khác, ngành thép hay thủy hải sản đang bị cho vào danh sách đen nên nhiều ngân hàng "ngại" cho vay, khiến việc sản xuất của doanh nghiệp cũng như lợi nhuận giảm mạnh. Do vậy, không chỉ riêng Hữu Liên Á Châu, ngay cả ngành thép cũng vẫn còn nhiều khó khăn khi nguồn vốn cũng như giá cả thị trường thiếu ổn định.
Hồng Châu

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Vinamilk mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho quỹ VF4


Đóng góp 50% lợi nhuận cho quỹ đầu tư VF4 là cổ phiếu nhóm ngành thực phẩm và vật liệu, trong đó Vinamilk góp tới 28,6%.
Tại đại hội cổ đông quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4), bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc khối đầu tư quỹ cho hay, cuối năm 2013, giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư VF4 tăng thêm 27,7% so với 2012, cao hơn mức tăng trưởng của Vn-Index 5,7%. Tại ngày 31/12/2013, tổng tài sản ròng (NAV) của quỹ đạt 682 tỷ đồng, tương ứng với 8.458 đồng một chứng chỉ quỹ.
Bà Hạnh nhấn mạnh, đóng góp lớn nhất chiếm 50% lợi nhuận của quỹ đến từ cổ phiếu của nhóm ngành thực phẩm và vật liệu. Dẫn đầu trong nhóm này là cổ phiếu VNM, chiếm 21,7% tỷ trọng trong danh mục, đóng góp 28,6% lợi nhuận. Trong năm 2013, quỹ cũng đã thanh hoán 2 cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội (SD5 và VC2) để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Tại ngày 31/12/2013, danh mục VF4 bao gồm 17 công ty niêm yết. Tỷ trọng tiền mặt của VF4 được sử dụng trong năm dao động 3-10%, cuối năm tăng lên 15,9% nhằm đáp ứng nhu cầu mua lại chứng chỉ quỹ của các nhà đầu tư.
anh-dai-hoi-8408-1395966091.jpg
Cuối năm 2013, giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư VF4 tăng thêm 27,7% so với 2012. Ảnh: Hồng Châu.
Cũng tại đây, đại hội đã thông qua việc từ nhiệm của 2 thành viên hội đồng quản trị và bầu thêm thành viên hội đồng quản trị mới. Ông Nguyễn Kiên Cường, luật sư tư vấn cấp cao của  Công ty Dragon Capital sẽ là thành viên mới của ban đại diện quỹ thay cho ông Hoàng Kiên và Nguyễn Kim Long.
Vì số lượng ban đại diện quỹ giảm một thành viên nên ngân sách và chi phí cho ban đại diện quỹ năm nay giảm 17,6% so với 2013. Cụ thể, 2013 thù lao mà ban đại diện quỹ được hưởng là 999,63 tỷ đồng, trong khi đó năm nay đại hội dự kiến chỉ chi 823,93 tỷ đồng.
Định hướng 2014, quỹ này cho biết tiếp tục đầu tư vào những cổ phiếu blue-chips hàng đầu Việt Nam, đồng thời sẽ tái cơ cấu danh mục, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn trong các ngành cơ bản…
Hồng Châu

Nhà Khang Điền tin tưởng thoát lỗ trong năm 2014


Công ty dự kiến năm nay có thể đạt 351 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận.
Ngày 25/3, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đưa cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã CK: KDH) vào diện kiểm soát kể từ ngày 1/4/2014 do đã lỗ hai năm liên tiếp.
Kết quả kiểm toán cho biết năm 2012, công ty mẹ Nhà Khang Điền lỗ hơn 55 tỷ đồng và năm 2013 tiếp tuc lỗ gần 125 tỷ đồng. Theo quy chế niêm yết, cổ phiếu công ty sẽ bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 1/4/2014 và chỉ được giao dịch trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát sau khi có giải trình của công ty và được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận.
Ông Lý Điền Sơn - Tổng giám đốc Nhà Khang Điền nhận định tình hình kinh doanh năm 2013 không khả quan do những giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản còn bất cập, chương trình bán hàng triển khai đúng kế hoạch. Ngoài ra, việc chuyển nhượng vốn góp tại công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên bị lỗ và chi phí lãi vay cao cũng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Song, năm 2014, lãnh đạo Nhà Khang Điền cho biết công ty đã triển khai bán hàng dự án Mega, đến cuối tháng 3/2014 bán được 60 căn. Trong quý IV/2014, công ty tiếp tục đưa ra thị trường căn hộ dự án Trí Minh với quy mô 5,7 hécta.
Với những yếu tố trên, công ty có thể đạt kế hoạch doanh thu 351 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng, ông Sơn giải trình.
Huyền Th
ư

Ngành chăn nuôi lỗ 27.000 tỷ đồng


Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết nuôi lợn và gia cầm chịu lỗ nặng nhất.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm 2012 đến nay, ngành chăn nuôi trong nước lỗ 27.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ nuôi bò vẫn có lãi. Trong 2 năm, có tới 20 tháng là lỗ hoặc hòa vốn, 4 tháng có lãi xen kẽ nhưng chủ yếu vào các thời điểm tết.
Ông chia sẻ với VnExpress.net về câu chuyện của ngành chăn nuôi hiện nay.  
- Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lỗ kéo dài trong ngành chăn nuôi là gì thưa ông?
- Trước tháng 3/2012, thì nhiều người chăn nuôi vẫn có lãi. Tuy nhiên, sau đó thì chuyển sang lỗ.  Nguyên nhân của tình trạng này là giá bán thấp hơn giá thành, cung vượt cầu. Chúng tôi ước tính tác động của dịch bệnh đến giá cả chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại chủ yếu là do cung vượt quá cầu.
hheo-3017-1395911297.jpg
Theo Hiệp hội Chăn nuôi, người nuôi lợn và gia cầm chịu lỗ nặng nhất trong 2 năm qua. Ảnh: Anh Quân
Năm 2008, Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với xây dựng trang trại nhằm phát triển chăn nuôi bền vững. Từ khoảng đầu năm đến cuối 2011, một số lĩnh vực chăn nuôi lãi rất cao, thậm chí giá bán gấp đôi giá thành. Chẳng hạn, giá thành thịt heo khi đó chỉ 35.000 đồng một cân nhưng giá bán lên hơn 70.000 đồng, giá thịt gà cũng có lúc lên đến 60.000 đồng đã khiến nhiều người mở rộng trang trại hoặc đầu tư xây mới. 
Thời điểm này, kinh tế nói chung và thị trường bất động sản dấu hiệu đi xuống, hiệu quả đầu tư giảm. Nhiều người có tiền đổ xô đi đầu tư xây dựng trang trại theo phong trào mà không có sự nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng cũng dẫn đến tình trạng như hiện nay. 
- Để xảy ra tình trạng cung vượt cầu, theo ông nguyên nhân chính là do đâu?  
- Ngoài lý do đầu tư theo phong trào một cách tràn lan, hiện nay hệ thống dữ liệu của chúng ta về ngành chăn nuôi chưa cung cấp được các thông tin kịp thời để nhà đầu tư có thể tính toán việc mở rộng đàn. Ví dụ, các số liệu như tổng đàn cả nước hiện nay là bao nhiêu, số lượng dự kiến bán ra ở các thời điểm như thế nào để người dân biết mức độ cung cầu trên thị trường. Nếu giá đang rẻ đi tức là cung đã vượt cầu. Việc cung cấp thông tin hiện nay của chúng ta tiến hành không thường xuyên hoặc quá lạc hậu nên người chăn nuôi có đánh giá sai về thị trường.
Tôi lấy ví dụ, theo Tổng cục Thống kê năng suất nuôi gà đẻ của Việt Nam vẫn là 100-140 quả trứng mỗi con một năm nhưng thực tế hiện nay hơn gấp đôi con số này.Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi, sản lượng thịt gia cầm của chúng ta hiện đạt trên 2 triệu tấn một năm nhưng Tổng cục Thống kê chỉ tính có trên 800.000 tấn. Chính số liệu thống kê chưa chính xác, lại thấp hơn nhiều so với thực tế nên người chăn nuôi thấy nhu cầu thị trường vẫn thiếu, cứ đua nhau sản xuất ra nên gia cầm làm ra hai năm nay lỗ liên tục.
- Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có các cá nhân thành công với một số mô hình chăn nuôi. Vậy theo ông, trong trường hợp nào thì người chăn nuôi có lãi?
- Chúng tôi nhận thấy, những nhà sản xuất phải hoàn toàn đi mua thức ăn và con giống thì lỗ. Trong những ngày này, những người chăn nuôi gia cầm đang lỗ nặng trứng gà đang lỗ nặng khi giá thành vào khoảng 1.500 đến 1.600 nhưng giá bán 1.100 đến 1.200 đồng.  Một số trang trại tự chế biến hoặc trộn thức ăn, tự sản xuất con giống thì tiết kiệm được 12-13% chi phí, có thể hòa vốn. Những trang trại có lãi là họ chủ động trong nhiều khâu từ con giống, thức ăn, đến dịch bệnh, đầu ra sản phẩm thì được đảm bảo do ký hợp đồng với doanh nghiệp... 
Và tôi cũng khẳng định, không phải nuôi con gì cũng lỗ, điều quan trọng là phải có nghiên cứu thị trường. Hiện nhiều người chăn nuôi bò thịt và bò sữa vẫn có lãi tốt vì nhu cầu trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta đang phải nhập khẩu gần 200.000 con bò thịt từ các nước và trên một tỉ USD các sản phẩm từ sữa. 
- Lời khuyên của ông đối với những hộ chăn nuôi hiện nay là gì?
- Tôi cho rằng, trước mắt người chăn nuôi, đặc biệt là lợn và gà đừng vào đàn quá nhiều, chuồng trại nếu chưa nuôi thì có thể bỏ trống, việc xây dựng thêm chuồng mới cũng nên từ từ. Hiện nhu cầu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng rất chậm, chỉ khoảng 5% mỗi năm nên phải mất khoảng 2 năm nữa mới lấp đầy chuồng trại có sẵn. 
- Theo ông, Việt Nam nên phát triển mô hình chăn nuôi như thế nào trong thời gian tới?
- Người Mỹ đã sáng tạo ra mô hình sản xuất theo chuỗi cách đây hơn nửa thế kỷ và đến nay những tập đoàn chăn nuôi thành công trên thế giới đều áp dụng nó. Với mô hình này sẽ có sự liên kết chia sẻ rủi ro và lợi nhuận giữa nhà sản xuất thức ăn, con giống, người chăn nuôi và đơn vị chế biến, giết mổ để đưa ra thị trường.
Với người chăn nuôi, việc đầu tư vào trang trại cũng là mô hình phổ biến ở các nước. Tuy nhiên, để hiệu quả, các trang trại ở Việt Nam phải nâng cao chất lượng con giống, chuyên môn hóa quá trình chăn nuôi, áp dụng phương thức quản lý hiện đại để giảm giá thành, kiểm soát dịch bệnh... Một số mô hình cụ thể tôi đã thấy họ làm tốt những điều này thì vẫn lãi cao.  
Ngọc Min
h

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Ocean Group sắp phát hành 980 tỷ đồng trái phiếu


Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, được dùng để góp vào một số dự án của Ocean Group và tăng quy mô vốn hoạt động cho tập đoàn.
Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, Mã CK: OGC) vừa công bố kế hoạch chào bán trái phiếu riêng lẻ (Mã: OceanGroup Bond 980.2014) cho dưới 100 nhà đầu tư với trị giá 980 tỷ đồng. Mỗi trái phiếu có mệnh giá một tỷ đồng, thời hạn 3 năm kể từ ngày phát hành vào ngày 1/4 sắp tới. Số chứng khoán này thuộc nhóm trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo.
OGC-OGC-5543-1395889036.jpg
Số tiền thu từ chào bán trái phiếu được Ocean Group đầu tư cho một số dự án và tăng quy mô vốn của tập đoàn. Ảnh: OGC
Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên (12 tháng) là 9% một năm. Từ kỳ tiếp theo, lãi suất trái phiếu sẽ tính bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân theo VND, kỳ hạn 12 tháng trả sau. Mức này được công bố tại hội sở chính của 4 ngân hàng là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank. Ngày xác định lãi suất của từng kỳ trả được cộng thêm 2% một năm.
Toàn bộ số tiền lãi và gốc trái phiếu do chính Ocean Group chi trả và không được bảo lãnh thanh toán bằng bên thứ ba nào khác. Trừ khi được mua lại hoặc bị hủy bỏ trước hạn, tiền gốc trái phiếu sẽ được hoàn trả bằng mệnh giá vào ngày đáo hạn. Ocean Group cho biết có thể đề nghị hoặc nhờ người khác mua lại trái phiếu công ty vào bất cứ thời điểm nào cũng như phương thức và giá cả phù hợp.
Theo đại diện Ocean Group, số tiền thu từ trái phiếu sẽ dùng để góp vốn vào một số dự án của tập đoàn như Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại Lega Fashion House (250 tỷ đồng), Trung tâm thương mại văn phòng và khu căn hộ Gia Định Plaza (250 tỷ đồng). Phần còn lại (480 tỷ đồng) được Ocean Group dùng cho việc tăng quy mô vốn hoạt động toàn tập đoàn.
Năm 2013, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ocean Group đạt gần 168 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 80% so với một năm trước. Tại ngày 31/12/2013, tập đoàn có hơn 1.535 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, chủ yếu tại các đơn vị như Ngân hàng cổ phần Đại Dương, Ngân hàng Phát triển Nhà TP HCM.
Trong khoản mục vay dài hạn, Ocean Group cũng còn 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Ngân hàng cổ phần Hàng Hải Việt Nam và 1.200 tỷ đồng huy động từ Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC, nay là PVCombank). Vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2013 của tập đoàn đạt 3.263 tỷ đồng.
Mới đây, Ocean Group cũng vừa vấp phải lùm xùm khi bị truy thu hơn 7,1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho niên độ 2012. Ngoài ra, tập đoàn cũng phải điều chỉnh giảm 21,5 triệu đồng VAT đầu vào được khấu trừ.
Tường V
i

Nông dân phá Tam Giang thu tiền tỷ mỗi năm từ nuôi cá


Trừ các khoản chi phí, người nuôi tại xã Quảng Công (thuộc phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có thể thu lãi vài trăm triệu đồng, hiệu quả hơn hẳn mô hình nuôi tôm trước đây.
ca-9414-1395765972.jpg
Gia đình ông Phạm Thanh Việt cũng tham gia nuôi cá ở phá Tam Giang, thu nhập 400- 500 triệu đồng một năm. Ảnh: Anh Quân
Gắn bó với con tôm nhiều năm qua và phần nào có được thu nhập từ loại thủy sản này, nhưng do điều kiện tự nhiên, lợi nhuận mà người dân phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) có được thường không cao. Trong khi đó, chi phí nuôi lớn, quá trình chăm sóc phức tạp, đòi hỏi đầu tư nhân lực và kỹ thuật, tôm lại là giống dễ mắc bệnh, rủi ro cao.
Người dân tại xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết giai đoạn nuôi tôm cực thịnh là vào năm 1994-1997, các hộ thu lãi cao vì tôm được giá, thức ăn rẻ và nhu cầu thị trường đang lên mà ít nơi cung cấp, tuy nhiên đến khoảng năm 2000 trở đi thì mọi thứ thay đổi do nhiều người cùng nuôi khiến giá đầu tư tăng nhưng đẩy giá sản phẩm đi xuống. Thời điểm đó, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần, một số còn phá sản. Đứng trước khó khăn, những năm gần đây, một số hộ mạnh dạn thay đổi vật nuôi, từ tôm sang cá với hy vọng làm giàu. 
Ông Phạm Hóa, cựu Chủ tịch Hội nghề cá tại Quảng Công cho biết điều kiện tự nhiên, môi trường tại xã ông phù hợp với việc nuôi cá hơn so với tôm. Mô hình này mới chỉ áp dụng tại một số hộ ở xã Quảng Công, các nơi khác vẫn chưa tìm được thành công với cách làm này. "Xã bên đã có những hộ thử, nhưng lợi nhuận không cao, thậm chí có người còn phá sản", ông cho biết thêm.
Cách nuôi của các hộ dân nơi đây không quá phức tạp, chỉ cần có hồ để thả con giống, sau đó sẽ đưa cá ra phá Tam Giang, dùng lưới quây lại thành các  khu vực nuôi riêng. "Cá nuôi trong môi trường tự nhiên là tốt nhất, vừa đảm bảo độ sạch, lại vừa tiết kiệm chi phí cho người nông dân", ông Hóa chia sẻ. Một hồ giống có thể thả kèm cua, tôm, tuy số lượng không lớn.
"Nhiều người chuyển sang nuôi cá vì giá trị con cá cao hơn, cho lợi nhuận tốt", một nông dân 68 tuổi chia sẻ. Gia đình ông đầu tư 500 triệu đồng cho hơn 1.500m2 hồ nuôi thu về 400 triệu đồng một năm. Số tiền nay có giảm xuống nhưng lợi nhuận ông thu được vẫn tốt hơn so với con tôm. "Bây giờ chi 500 triệu đồng thì sau khi trừ mọi chi phí, lãi ròng vẫn khoảng 250 triệu đồng". Theo ông, nuôi cá ít rủi ro hơn, có thể nuôi nhiều loại và thu hoạch quanh năm.
Các loại cá trong hồ nuôi gồm cá vược, mú, nâu, hồng, dĩa, chẽm... Trung bình mỗi kg cá có giá 100.000 đồng, riêng cá nâu lên tới 450.000 đồng. "Cá nâu giống 1.000 đồng mỗi con, nuôi lớn thì 3-5 con được một kg", ông nói.
Cũng bắt đầu từ việc nuôi tôm vào năm 1989, gia đình ông Phạm Thanh Việt (Quảng Công) nhìn thấy lợi ích của con cá và chuyển hẳn sang loại vật nuôi này được 10 năm nay. Gia đình ông có một ha, mỗi năm phải đầu tư 200-300 triệu đồng chỉ tính riêng tiền thức ăn cho cá, tuy nhiên lãi thu về cũng không nhỏ. "Chi 400 triệu đồng thì lợi nhuận cũng đạt 50%. Mỗi năm thu hoạch từ 3-4 tấn cá các loại. Có những năm lãi đạt 100%, bỏ một triệu đồng tiền vốn thì thu về một triệu đồng tiền lãi", ông Việt nói.
Doanh thu và lợi nhuận mỗi năm của các hộ nông dân tại đây tỷ lệ thuận với diện tích hồ nuôi mà gia đình sở hữu. Do đó, một số nhà có hơn 2 ha thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như nhà ông Phạm Dũng, ông Nguyễn Hường... Nhờ có khoản thu nhập lớn như vậy, các gia đình tại đây có thể lo đầy đủ cho con ăn học, có nhà mở rộng kinh doanh sang cả lĩnh vực khác như xăng dầu, lập công ty thương mại, mua được nhà tại TP HCM cho con.
Ông Phạm Hóa khẳng định tại xã có vài hộ thu nhập tỷ đồng mỗi năm. "Có người bây giờ trong tay 3, 4 tỷ đồng", ông cho biết. Thông tin trên cũng được cán bộ tín dụng Hoàng Tháy của Ngân hàng Agribank xác nhận. Ông Tháy là người làm việc trực tiếp với các hộ dân nuôi thủy sản của Quảng Công nhiều năm qua trong vấn đề vay vốn làm ăn.
Số vốn ban đầu do người dân đi vay trực tiếp từ ngân hàng để mua trước thức ăn và cá giống. "Có năm trả trước hạn, năm đúng hạn, tuy nhiên không phải ai cũng thành công, có nhà đã vỡ nợ ", ông Việt chia sẻ thêm.
Phá Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, có diện tích khoảng 52km2, trải dài 24km, thuộc địa phận 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế). Độ sâu của phá từ 2 đến 4m, có nơi sâu tới 7m. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại.
Anh Quâ
n

Cửa hàng đồ si một vốn bốn lời


Người dùng ở TP HCM hiện vẫn chuộng đồ si (quần áo đã qua sử dụng) dù hàng thời trang trên thị trường ngày càng đa dạng. Đây là lý do loại hình kinh doanh này vẫn lãi lớn.
Để mở một cửa hàng đồ si hút khách, bạn cần lưu ý 6 điểm sau:
1. Vốn
Chị Hoa, chủ cửa hàng quần áo đồ si trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2 chia sẻ, để mở một cửa hàng đồ si quy mô nhỏ rộng chừng 12-15m2 cần khoảng 50 triệu đồng, phân bổ làm 3 hạng mục chi phí. Đầu tiên  trích khoảng 5-7 triệu để thuê mặt bằng, 5 triệu đồng mua vật dụng trang trí tại cửa hàng như móc quần áo hay ma nơ canh, gần 40 triệu còn lại dùng để lấy quần áo và trả lương cho nhân viên bán hàng.
Thông thường, nếu cửa hàng đắt khách, một tháng chị đi lấy hàng một lần, còn nếu ế ẩm thì 3 tháng lấy một lần. Nếu lấy hàng ở các cửa khẩu, trung bình một kiện hàng (500-600 cái) giá dao động 6-8 triệu đồng tùy nguồn gốc xuất xứ. Khi lấy hàng, người bán cần cân nhắc số vốn mình có để lấy hàng với số lượng hợp lý. Nếu khách đông, khoảng 5 tháng có thể hoàn vốn.
Nhân viên một cửa hàng đồ si cho biết, mức lời của mỗi sản phẩm cũng khác nhau. Cùng trong một lô hàng quần jean với giá mua tận gốc khoảng 30.000 đồng một quần, nhưng chiếc thì bán ra 50.000-70.000 đồng, có chiếc bán tới 120.000-180.000 đồng.
quan-ao-3151-1395824721.jpg
Quần áo si được giặt ủi sạch sẽ và trưng bày trong cửa hàng bắt mắt rất dễ hút khách. Ảnh: Hồng Châu.
2. Mối lấy hàng
Quần áo si khác hẳn với quần áo bình thường vì đây là loại đã qua sử dụng, tuy nhiên nếu chọn được những lô hàng tốt thì người bán vẫn có những sản phẩm chất lượng. Do vậy, có đầu mối uy tín để nhận hàng là yếu tố quan trọng vừa giúp người bán có được sản phẩm chất lượng, còn tiết kiệm được chi phí đầu tư.
Theo kinh nghiệm của chị Hương, chuyên bán đồ si ở quận Tân Bình, trước hết để có mối quen, người bán cần đi khảo sát tình hình bán đồ si ở một số chợ như Bà Chiểu hay chợ Nhật Tảo (quận 10) học hỏi kinh nghiệm và có thể nhờ chỉ chỗ lấy hàng theo lô. Còn đối với những cá nhân buôn bán nhỏ lẻ với số vốn ít có thể đến chợ Nhật Tảo chọn lựa theo nhu cầu, tuy nhiên giá sẽ cao hơn nhiều so với lấy theo lô tại các cửa khẩu. Tìm được đầu mối lấy hàng uy tín, người bán sẽ ít gặp rủi ro hơn về sản phẩm cũng như giá cả.
3. Mặt bằng
Để có một địa điểm hút khách, nên chọn những khu vực đông người qua lại như ngã tư, chợ, siêu thị hoặc một số địa điểm du lịch. Mặt bằng chỉ khoảng trên 10m2, biết cách phối đồ đẹp mắt, đưa ra nhiều chương trình giá rẻ sẽ hấp dẫn người qua lại. Trong trường hợp khách đông, không nhất thiết phải mở rộng mặt bằng. Người chủ có thể chăm sóc khách quen bằng cách giao hàng tới tận nhà.
4. Thái độ phục vụ khách    
Để khách hàng “nghiện” cửa hàng của bạn thì thái độ phục vụ vô cùng quan trọng. Theo chị Hương, ban đầu khách ghé thăm cần hướng dẫn nhiệt tình về những sản phẩm mà cửa hàng có và để ý xem nhu cầu của từng khách để có hướng dẫn cũng như giới thiệu sản phẩm phù hợp. Từ đó, người bán cần lên một danh sách khách hàng theo từng hạng mục quan tâm khác nhau. Cụ thể, những khách hàng nào cần quan tâm đặc biệt, những khách hàng nào khó tính hay khách hàng chuyên mua với số lượng nhiều để có chính sách giá phù hợp và mẫu mã theo đúng phong cách thời trang của từng người.
5. Bài trí cửa hàng
Theo chị Hoa, cần phân loại và giặt ủi sản phẩm kỹ càng vì hàng si có mùi rất nồng, đồng thời biết cách phối đồ với phụ kiện bắt mắt và hợp thời trang. Bởi lẽ, nếu chỉ đổ đống, người mua sẽ rất vất vả khi lựa chọn, khó tìm ra được nét độc đáo của từng chiếc áo, quần. Do vậy, tìm ra nét tinh tế của mỗi trang phục để kết hợp chúng với nhau sao cho hợp lý nhất từ đó những chiếc áo quần bình thường sẽ trở nên hấp dẫn và quyến rũ hơn.
6. Lập trang cá nhân quảng bá sản phẩm
Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, bán hàng qua mạng cũng phù hợp với kinh doanh hàng si vì ít tốn kém, dễ quảng bá hình ảnh và tìm hiểm nhu cầu khách hàng. Bạn có thể  lập ra một website riêng hoặc lập ra một fanpage trên các mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nếu biết cách chăm sóc và quảng bá, đây là một kênh vô cùng hữu hiệu để khách bốn phương dễ dàng biến đến cửa hàng. Khi lập website hoặc fanpage, nên thiết kế đơn giản dễ nhìn.
Hồng Châu

Ngân hàng Nam Á thay chủ tịch


Thông tin ông Nguyễn Quốc Toàn thay bà Nguyễn Thị Xuân Loan làm Chủ tịch Ngân hàng Nam Á được công bố tại Đại hội cổ đông thường niên sáng nay.
Ngoài bà Loan, tại đại hội sáng nay còn có 2 thành viên Hội đồng quản trị khác từ nhiệm gồm ông Huỳnh Thanh Chung (Phó Chủ tịch NamA Bank, con rể bà Tư Hường); ông Trần Anh Tuấn (Thành viên HĐQT).
DSC-0612-2-4193-1395895487.jpg
Bà Nguyễn Thị Xuân Loan.
Sau khi 3 thành viên trên từ nhiệm, ngân hàng xin ý kiến cổ đông bầu bổ sung thêm 2 thành viên hội đồng quản trị mới thay thế là ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Trần Ngô Phúc Vũ (Tổng giám đốc).
Bà Nguyễn Thị Xuân Loan là nữ chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất tại Việt Nam. Bà sinh năm 1974, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của NamA Bank khi mới 37 tuổi. Bà từng đảm trách chức Chủ tịch của Công ty TNHH Sơn Hải và Phó chủ tịch Công ty địa ốc Hòa Bình.
20140327-082151-1-7192-1395895487.jpg
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Tân Chủ tịch NamA Bank.
Ông Nguyễn Quốc Toàn (anh trai bà Loan), hiện là Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hoàn Cầu kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang; Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa; Chủ tịch HĐQT Công ty thương mại Hoàn Cầu và Thành viên Hội đồng Công ty cổ phần Sài Gòn Nhà Đất.
Ông Toàn sinh năm 1970, là cổ đông đang giữ hơn 1,4 triệu cổ phần NamA Bank, chiếm gần 0,5% vốn điều lệ của nhà băng này. Ông Toàn cũng là đại diện phần góp vốn của bà Trần Thị Hường (bà Tư Hường) với 15 triệu cổ phần, chiếm 5% vốn điều lệ.
Tại đại hội, ban lãnh đạo NamA Bank cho biết, năm 2013 nhà băng đạt lợi nhuận trước thuế 183 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 13.405 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cuối 2012, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,48% trong tổng dư nợ tín dụng.
Mục tiêu 2014, Ngân hàng Nam Á sẽ nâng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, nâng tổng tài sản lên 40.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng. Tỷ lệ ROA dự kiến mức 1%, ROE là 6%, cổ tức dự kiến 7%, huy động vốn tăng 31,3%; tín dụng tăng 26%...
Trước những thắc mắc của cổ đông về hướng phát triển trong thời gian tới, liệu có tính đến kế hoạch sáp nhập, lãnh đạo NamA Bank cho biết nhà băng này sẽ tự tái cấu trúc để phát triển chứ không chủ trương sáp nhập.
Lệ Chi

Nhu cầu tuyển nhân viên kinh doanh tăng cao trong quý II


Nhân viên kinh doanh, bán hàng sẽ chiếm gần một phần tư trong tổng nhu cầu tuyển dụng ở TP HCM trong quý II năm nay.
Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP HCM cho thấy, các doanh nghiệp đang tăng cường tìm nhân viên kinh doanh, bán hàng nên nhu cầu tuyển của nhóm này lên cao nhất trong tất cả nhóm ngành (chiếm 24,48%).
Theo nhận định của Trung tâm, quý II năm nay, nhu cầu tìm việc tăng hơn 40% so với quý I, bởi do lượng lớn học sinh, sinh viên vừa mới tốt nghiệp và tình trạng dịch chuyển nơi làm việc cũng đẩy nhu cầu tìm việc tăng.
Nhóm dịch vụ phục vụ như giúp việc nhà, bảo vệ… thuộc nhóm cần bổ sung nhiều lao động, có nhu cầu tuyển dụng cao thứ 2, chỉ sau kinh doanh bán hàng. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, sau Tết các lao động như phụ giúp việc nhà về quê không lên thành phố và do 2 tháng đầu năm, có khoảng 2.400 doanh nghiệp mới thành lập, vì vậy nhu tuyển nhân viên kinh doanh hay lao động phổ thông như giúp việc nhà, bảo vệ… còn tiếp tục tăng.
Công nghệ thông tin là một trong những ngành có nhu cầu tuyển cao, trong khi đó nguồn cung có xu hướng giảm, so với quý IV năm ngoái, người lao động tìm việc giảm 16,47%. Điều này dẫn tới việc vừa thừa vừa thiếu nhân lực.
Theo thống kê của Trung tâm, quý II có khoảng 75.000 chỗ làm việc trống tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó tháng 4 cần 20.000 người; tháng 5 là 25.000 người và tháng 6 khoảng 30.000 người.
10 nhóm ngành dự báo thu hút nhiều lao động quý II
1. Kinh doanh - Bán hàng
2. Dịch vụ phục vụ (giúp việc nhà, bảo vệ...)
3. Công nghệ thông tin
4. Marketing
5. Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng
6. Kinh doanh tài sản - Bất động sản - Chứng khoán
7. Dệt may - Giày da
8. Cơ khí
9. Kế toán - Tài chính
10. Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng
Mai Phươn
g

Sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam tuyên bố thành lập

Sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam tuyên bố thành lập

Cho dù chưa được cơ quan quản lý cấp phép, một công ty ở Việt Nam công bố bắt tay với đối tác Israel mở sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên vào cuối tháng 4.
btc-tbinh-8993-1395801396.jpg
Tấm biển chấp nhận Bitcoin được treo tại một quán cà phê ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Bình.
Trong thông cáo vừa phát đi, Công ty TNHH Bitcoin Vietnam cho biết đã hợp tác với Bit2C, một công ty ở Israel, để lập sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên (VBTC) tại Việt Nam. Theo Bitcoin Vietnam, VBTC sẽ ra mắt vào cuối tháng 4 và đơn vị này kỳ vọng sẽ nền tảng giao dịch cho thị trường Việt Nam.
Trên website của mình, công ty giới thiệu 4 điểm như là thế mạnh của mình đó là hợp pháp, an toàn, công nghệ và thanh khoản. Liên quan tới yếu tố hợp pháp, công ty khẳng định mình là sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam được đăng ký kinh doanh đầy đủ.
Tuyên bố thành lập sàn giao dịch của Công ty Bitcoin Việt Nam được đưa ra tròn một tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định Bitcoin không phải tiền tệ và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Các tổ chức tín dụng cũng không được sử dụng như tiền tệ hoặc một loại phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Các đơn vị chấp nhận thanh toán Bitcoin sau đó thay đổi thông điệp, coi đây là một loại hàng hóa và dùng để đổi các loại hàng hóa khác. Theo quy định hiện hành, nếu xem Bitcoin là một hàng hóa, để lập sàn giao dịch, các công ty cần được sự cho phép của cơ quan quản lý là Cục Thương mại Điện tử - Bộ Công Thương.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 26/3, đại diện Cục Thương mại Điện tử - Bộ Công Thương khẳng định "sàn giao dịch" này chưa đăng ký hợp pháp. Lãnh đạo bộ phận quản lý thương mại điện tử của Cục cho biết, Công ty TNHH Bitcoin Vietnam mới thông báo mở website bán hàng hóa chứ không đăng ký mở sàn giao dịch. Ngay cả hồ sơ đăng ký mở website bán hàng hóa của công ty này cũng đã bị cơ quan quản lý từ chối.
Lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử giải thích: "Bitcoin hiện vẫn chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong bất cứ văn bản quy phạm pháp lý nào của Việt Nam hiện hành. Do vậy, nó không thuộc đối tượng được chấp nhận theo nội dung điều chỉnh của Nghị định về Thương mại điện tử".
san-btc500-9977-1395808253.jpg
Công ty này vẫn cho biết là sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam "hợp pháp" dù cơ quan quản lý khẳng định chưa được cấp phép hợp lệ. Ảnh chụp màn hình.
Ông cũng cho biết thêm, theo quy định hiện nay, các thương nhân, tổ chức phải cung cấp đủ thông tin cho khách hàng để xác định đặc tính hàng hóa, dịch vụ mình. Việc này nhằm tránh hiểu lầm cho người mua hàng. Công ty Bitcoin Vietnam theo ông chưa chứng minh được điều này và chưa đủ cơ sở pháp lý để được mở sàn giao dịch.
Trong thông cáo phát đi cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo những rủi ro mà loại đồng tiền ảo này có thể mang lại. Theo cơ quan này, nếu dùng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, người dân sẽ không thể được pháp luật bảo vệ. "Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Công ty TNHH Bitcoin Vietnam mới thành lập vào cuối năm 2013. Doanh nghiệp này vừa đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2014 khi cho ra mắt dịch vụ môi giới Bitcoin để người dùng tại Việt Nam có thể mua bán số lượng không giới hạn.
Trong khi đó, đối tác của họ là Bit2C lại đến từ Israel, thành lập năm 2012. Theo giới thiệu, họ là công ty trao đổi Bitcoin đầu tiên và lớn nhất tại Israel cũng như là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Bitcoin ở nước này.
Về phần mình, trong thông cáo phát đi, đại diện của hai công ty này vẫn cho rằng, bất chấp những cảnh báo về rủi ro từ Ngân hàng Nhà nước, việc sử dụng Bitcoin chưa bao giờ bị cấm ở Việt Nam.
Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013 được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư tại nhiều quốc gia. Mt.Gox (trụ sở Tokyo, Nhật Bản) cũng từng là một trong hai sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới.
Thanh Thanh Lan