Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Cử nhân thất nghiệp vì kén chọn

Qua 6 lần đi xin việc, cô cử nhân báo chí Lan Anh vẫn chưa có chỗ làm ổn định. Cô luôn nghĩ rằng năng lực của mình đáng được nhà tuyển dụng trả lương cao hơn.
Tốt nghiệp bằng giỏi khoa báo chí, trường Đại học KHXH&NV, Đại học quốc gia Hà Nội, chăm chỉ cộng tác cho các báo, đài vào năm cuối khóa, Lan Anh (quê Thái Nguyên) luôn tự tin mình sẽ tìm được một công việc như ý. Quả thật, mỗi lần gửi hồ sơ, cô đều được gọi mời phỏng vấn. 
Lần đầu là một công ty truyền thông. Họ đánh giá cao năng lực của cô và thỏa thuận mức lương 4,5 triệu mỗi tháng. Chưa đầy 2 tháng, Lan Anh đã chán và bỏ việc vì cảm thấy làm ở đây không có tương lai.
Lần thứ hai, xin được việc ở một tờ báo in, cô sung sướng vì nghĩ rằng mình đã được làm đúng công việc yêu thích. “Lương cứng 2,5 triệu đồng làm tôi cụt hứng ngay. Nghề báo vốn rất vất vả mà trả như vậy thì bèo bọt quá”, Lan Anh tâm sự. Mặc dù nhà tuyển dụng có thỏa thuận sẽ nâng mức lương nếu ứng viên phát huy được khả năng trong thực tế công việc nhưng cô không đủ kiên nhẫn đợi chờ.
Cứ như vậy, gần 2 năm nay, đã 6 lần đi phỏng vấn, xin việc thì cả 6 lần đều thất bại. Hiện tại, cô vẫn nay làm chỗ này mai làm chỗ khác và bắt đầu thấyngán ngẩm với công cuộc “chỉ ăn và đi phỏng vấn”. 
Chung tình cảnh ấy, Thu Hà (tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh thương mại, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) nằm nhà chơi dài khi không tìm được công việc ưng ý. Lần đầu cô xin được việc tại một công ty Hàn Quốc với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng. Công việc áp lực, không ngày nghỉ và luôn bị cấp trên nhắc nhở khiến cô chán nản. Một lần bị sếp phê bình đến nửa tiếng, cô quyết định nghỉ việc ngay hôm sau.
Thu Hà tự tin đi xin việc ở chỗ mới. Công ty này có đầy đủ quyền lợi cho người lao động, nhưng vì mức lương thử việc chỉ là 5 triệu nên cô rút lui ngay. “Mình nghĩ là mình xứng đáng được trả cao hơn thế, vì công việc của một người biên, phiên dịch rất đau đầu. Công ty này dường như không biết nhìn người vậy”, cô gái 23 tuổi quả quyết.
Cô chưa có kinh nghiệm đi làm nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn muốn giữ chân Thu Hà bằng việc tăng lương sau 6 tháng làm việc. Nhưng cô không đủ kiên nhẫn để ở lại. Gần một năm ra trường với bằng đỏ, ngành nóng, trường tốt, tân cử nhân này vẫn giờ chưa có việc làm thực sự. Nằm nhà chờ việc khiến cô rơi vào trạng thái khủng hoảng, ý định tự tử vì không có việc làm cứ lởn vởn trong đầu.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu (trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm giới thiệu Việc làm Hà Nội) cho biết nhiều cử nhân đi xin việc chưa hiểu rõ tình hình lao động hiện nay.
“So với 5 năm trước, tình hình kinh tế giờ đây khó khăn hơn do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu nên doanh nghiệp cũng đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn ở trình độ chuyên môn, đặc biệt là những kinh nghiệm và kỹ năng mềm”, bà Liễu nói.
Theo số liệu của Trung tâm việc làm Hà Nội, trung bình mỗi tuần sàn giao dịch việc làm có 500 ứng viên đến ứng tuyển. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn không đáp ứng được nguồn cầu. Nguyên nhân phần lớn nằm ở kỹ năng của ứng viên còn quá kém. “Có nhiều bạn đến đây hàng chục lần vẫn không tìm được công việc ưng ý”, bà Liễu cho biết.
Kỹ năng mềm trở thành một môn học đã được phổ biến trong các trường đại học nhưng không phải ai cũng học được. “Lý do có thể là không thích, coi nhẹ hoặc không đủ tiền để tham gia các môn đào tạo kỹ năng mềm. Do đó, kỹ năng của cử nhân thể hiện rất kém, thậm chí không biết viết một lá đơn xin việc”, bà Liễu khẳng định.
Một sự "lệch pha" phổ biến nữa giữa người đi xin việc và nhà tuyển dụng là mức lương. Tại sàn giao dịch việc làm, rất nhiều nhà tuyển dụng bất bình phản ánh với trung tâm rằng, nhiều bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đã yêu cầu mức lương 10 triệu/tháng. Đại diện trung tâm khẳng định: “Không có chuyện mới ra trường đã đòi lương cao, bất kể bạn học trường nào, ngành gì. Doanh nghiệp luôn phải tính toán chặt chẽ nhất để đảm bảo lợi nhuận và đó cũng là điều kiện tiên quyết cho doanh nghiệp  tồn tại”.
Theo bà Liễu, sinh viên năm cuối cần có định hướng nghề nghiệp trước khi ra trường. Cử nhân cần đi làm để lấy kinh nghiệm trước thì mới nên nghĩ đến chuyện được hưởng chế độ lương cao. Mỗi lao động nên tự tìm hiểu thêm qua mạng, sách báo… về tình hình thị trường ở Việt Nam hiện nay và Bộ luật lao động để biết rõ vị trí cũng như quyền lợi của mình.
“Khoảng 10% cử nhân chỗ chúng tôi nhảy việc từ cuối năm 2013 đến giờ” là nhận xét của bà Mai Thị Nhi (Phó phòng thanh toán cước, Tập đoàn Viễn thông Quân đội). Bà Nhi cho biết, hầu hết là họ thấy cơ chế, chế độ của công ty không đáp ứng được nhu cầu của mình. Nhiều ứng viên đòi hỏi mức lương cao hơn nhưng khi phỏng vấn lại không được đánh giá cao, nhất là khi họ chưa có kinh nghiệm làm việc khoảng 6 tháng trở lên.
Theo bà Nhi, cử nhân mới đi làm cũng rất hay bị động trong công việc, gặp phải việc khó thì kêu khó không làm. “Muốn bám trụ được thì phải kiên nhẫn, cầu tiến, không tự ái và dành mọi tâm huyết, cống hiến”, bà Nhi khuyên.
Thể hiện cái nhìn cảm thông hơn, thạc sĩ Xã hội học Vũ Đặng Cảnh Linh (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) cho rằng, thanh niên ngày nay đi làm không chỉ vì tiền mà còn muốn đi làm ở môi trường đúng với mình, có thể có đồng lương rất ít ỏi nhưng họ vẫn thích. Tuy nhiên, điều đó lại tạo ra mâu thuẫn không đảm bảo cuộc sống. Từ đó dẫn đến hiện tượng thanh niên “bay như chim” từ cơ quan này sang cơ quan khác. Một số chán nản công việc và cũng có không ít bạn ỷ lại, nằm nhà chờ việc dù có mức lương 5 – 7 triệu/ tháng.
“Ước mơ môi trường làm việc tốt, có đủ kinh tế để sống là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, không chỉ riêng cử nhân đại học. Tuy nhiên, đây không phải thời điểm kinh tế phát triển mạnh, chúng ta phải hình dung được các khả năng đáp ứng nhu cầu của mình khi đi xin việc trong khi nhà tuyển dụng luôn khó tính hơn, yêu cầu cao hơn. Đừng nghĩ cầm tấm bằng giỏi trên tay là xin được việc tốt, kiến thức đòi hỏi trong thực tế chứ không phải trên giảng đường”, ông Linh nói.
Từ đó, ông đưa ra lời khuyên, mỗi người nên nhìn nhận lại bản thân như một nguồn lực với tất cả điểm mạnh, điểm yếu, thiếu gì phải trau dồi thêm để bước vào một môi trường làm việc có đủ kiến thức và không ngộ nhận về bản thân mình.
“Không có một con đường nào được trải thảm đỏ sẵn vì bình thường những người trải ra cũng phải cạnh tranh, đấu tranh với nhau để tồn tại. Từ đó, đỏi hỏi mỗi thanh niên phải vô cùng  mạnh mẽ”, nhà xã hội học nhận định.
Trong trường hợp nhiều thanh niên quá thất vọng với việc làm ở các cơ quan, ông Linh khuyên, các bạn trẻ nên tạo các nhóm làm việc từ những người yêu nghề, cùng chí hướng. “Xác lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, bền vững với những kế hoạch nghiêm túc, chín chắn thì chắc chắn sẽ có ngày xã hội sẽ trả công bằng cho những đóng góp và hi sinh ấy”, ông khẳng định.
Nguyễn Hò
a

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét